Ngày càng nhiều nhà đầu tư gia nhập thị trường chứng khoán để gia tăng thu nhập. Diễn biến thực tế ghi nhận không ít nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân, “sa bẫy” lừa đảo ở thị trường chứng khoán.
Vậy, pháp luật có quy định biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán như thế nào?
Cơ quan chức năng áp dụng biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật về chứng khoán, thị trường chứng khoán như thế nào và thực hiện những biện pháp đó dựa trên những nguyên tắc nào?
Điều 306 thuộc Nghị định 155/2020/NĐ-CP (Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán) có giải đáp đầy đủ những thắc mắc nêu trên.
Đơn cử, Điều 306 đưa ra nguyên tắc áp dụng các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán, như sau:
– Biện pháp cấm đảm nhiệm chức vụ tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam, công ty đầu tư chứng khoán có thời hạn hoặc vĩnh viễn:
+ Áp dụng đối với các chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, thành viên Hội đồng quản trị hoặc thành viên Hội đồng thành viên, Người đại diện theo pháp luật, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc), Giám đốc tài chính, Kế toán trưởng.
+ Trưởng Ban kiểm soát và thành viên Ban kiểm soát (Kiểm soát viên), thành viên Ban kiểm toán nội bộ và các chức danh quản lý tương đương do Đại hội đồng cổ đông bầu hoặc Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty bổ nhiệm.
– Biện pháp cấm thực hiện các hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán có thời hạn hoặc vĩnh viễn:
+ Áp dụng cho các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động chào bán, niêm yết, giao dịch, kinh doanh, đầu tư chứng khoán, cung cấp dịch vụ về chứng khoán và thị trường chứng khoán quy định tại khoản 14 thuộc Điều 4, Luật Chứng khoán, gồm các biện pháp:
- Cấm chào bán, phát hành chứng khoán có thời hạn hoặc vĩnh viễn;
- Cấm niêm yết, đăng ký giao dịch chứng khoán có thời hạn hoặc vĩnh viễn;
- Cấm hoạt động kinh doanh, cung cấp dịch vụ về chứng khoán và thị trường chứng khoán, hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán có thời hạn hoặc vĩnh viễn;
- Cấm thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán có thời hạn hoặc vĩnh viễn;
- Cấm giao dịch chứng khoán có thời hạn hoặc vĩnh viễn.
– Biện pháp phong tỏa tài khoản chứng khoán, yêu cầu người có thẩm quyền phong tỏa tài khoản tiền có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán được áp dụng trong các trường hợp:
+ Khi cần xác minh tình tiết làm căn cứ để ban hành quyết định xử lý vi phạm về chứng khoán và thị trường chứng khoán;
+ Khi có căn cứ xác định tổ chức, cá nhân đang thực hiện vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán và biện pháp phong tỏa tài khoản chứng khoán, phong tỏa tài khoản tiền là cần thiết nhằm ngăn chặn tổ chức, cá nhân tiếp tục thực hiện vi phạm hoặc khi cần ngăn chặn ngay hành vi tẩu tán tiền, chứng khoán có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán;
+ Theo yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định pháp luật.
Về thời hạn áp dụng các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán, khoản 5 thuộc Điều 306, Nghị định 155/2020/NĐ-CP, hướng dẫn rằng: tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính do thực hiện hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán quy định tại Điều 12 thuộc Luật Chứng khoán bị cấm thực hiện một hoặc một số hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán có thời hạn từ 02 năm đến tối đa 03 năm.
Tổ chức, cá nhân kể trên cũng bị cấm đảm nhiệm chức vụ tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam, công ty đầu tư chứng khoán có thời hạn từ 02 năm đến tối đa 03 năm.
Khoản 5 thuộc Điều 306 còn cấm thực hiện một hoặc một số hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán có thời hạn từ 03 năm đến tối đa 05 năm đối với tổ chức, cá nhân đã bị xử phạt vi phạm hành chính do thực hiện hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán quy định tại Điều 12 thuộc Luật Chứng khoán mà tái phạm, vi phạm từ 02 lần trở lên hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội danh về chứng khoán được quy định tại Bộ Luật Hình sự.
Bên cạnh đó, cá nhân hay tổ chức có sai phạm như vậy cũng bị cấm đảm nhiệm chức vụ tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam, công ty đầu tư chứng khoán có thời hạn từ 03 năm đến tối đa 05 năm.
(Blogluat.com)