Nghị định số 76/2023/NĐ-CP (Quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình) hướng dẫn rõ quy trình tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình.
Cụ thể, Điều 7 thuộc Nghị định số 76/2023/NĐ-CP, nêu rõ Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình (Tổng đài) sử dụng số điện thoại ngắn có 3 chữ số để tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình.
Tổng đài sẽ hoạt động 24 giờ, tất cả các ngày để tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình; thực hiện ghi âm tự động và chi trả phí viễn thông đối với tất cả cuộc gọi đến, gọi đi.
Địa chỉ tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình, gồm: a) Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình; b) Cơ quan Công an, Đồn Biên phòng gần nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình; c) Cơ sở giáo dục nơi người bị bạo lực gia đình là người học; d) Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình; đ) Người đứng đầu tổ chức chính trị – xã hội cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình; e) Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình. Trích Điều 19, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình |
Liên quan đến cách xác định hành vi bạo lực gia đình giữa những người đã ly hôn, Điều 2 thuộc Nghị định 76/2023/NĐ-CP, giải thích hành vi bạo lực gia đình giữa những người đã ly hôn là những hành vi:
– Hành hạ, ngược đãi, đánh đập, đe dọa hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng;
– Lăng mạ, chì chiết hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
– Cưỡng ép chứng kiến bạo lực đối với người, con vật nhằm gây áp lực thường xuyên về tâm lý;
– Cưỡng ép trình diễn hành vi khiêu dâm; cưỡng ép nghe âm thanh, xem hình ảnh, đọc nội dung khiêu dâm, kích thích bạo lực;
– Cưỡng ép ra khỏi chỗ ở hợp pháp trái pháp luật.
– Tiết lộ hoặc phát tán thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
– Ngăn cản gặp gỡ người thân, có quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh hoặc hành vi khác nhằm cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý.
– Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau.
– Cản trở kết hôn.
Bên cạnh đó, nghị định này nhấn mạnh cơ sở khác tham gia trợ giúp phòng, chống hành vi bạo lực gia đình là cơ sở do cá nhân, tổ chức tự nguyện đăng ký tham gia trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình.
Những cơ sở khác tham gia trợ giúp phòng, chống hành vi bạo lực gia đình được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.
Nội dung hoạt động của cơ sở khác tham gia trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình gồm:
– Tham gia tuyên truyền, vận động phòng, chống bạo lực gia đình;
– Hỗ trợ nguồn lực thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình;
– Hỗ trợ người bị bạo lực gia đình ăn, mặc, đi lại và các chi phí sinh hoạt khác;
– Hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người bị bạo lực gia đình, người có hành vi bạo lực gia đình chưa có việc làm có nhu cầu được hỗ trợ.
Nghị định số 76/2023/NĐ-CP (Quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình) chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 25/12/2023.
Bên cạnh đó, bạn đọc có thể tham khảo thêm nhiều bài viết liên quan đến pháp luật và hôn nhân và gia đình trên website của chúng tôi, như: hành vi bạo lực gia đình, nghĩa vụ cấp dưỡng sau ly hôn; quy trình và thủ tục ly hôn mới nhất…
(Blogluat.com)