Giấy tờ có giá ngày càng xuất hiện phổ biến trong giao dịch dân sự ở nước ta. Dù vậy, không ít người chưa hiểu rõ cũng như thường lẫn lộn giấy tờ có giá với một số loại giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản, điển hình có sổ tiết kiệm, giấy đăng ký xe hay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Theo khoản 1 thuộc Điều 1, Nghị định số 11/2012/NĐ-CP (Quy định về việc chiết khấu giấy tờ có giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài), giấy tờ có giá bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, hối phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, séc, chứng chỉ quỹ, giấy tờ có giá khác theo quy định pháp luật, trị giá được thành tiền và được phép giao dịch.
Như vậy, ngoài các giấy tờ được liệt kê tại khoản 1 thuộc Điều 1, Nghị định số 11/2012/NĐ-CP thì những giấy tờ khác chỉ được coi là giấy tờ có giá nếu có đủ các điều kiện: trị giá được thành tiền; được phép giao dịch; được pháp luật quy định rõ đó là giấy tờ có giá.
Về khái niệm giấy tờ có giá, Bộ Luật Dân sự năm 2015 chỉ nêu giấy tờ có giá là một loại tài sản, chứ chưa đưa ra định nghĩa chi tiết hơn.
Bên cạnh đó, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 cùng một số văn bản hướng dẫn liên quan có giải thích giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác.
Giải đáp về giấy tờ có giá tại Công văn 141/TANDTC-KHXX, TAND Tối cao liệt kê các loại giấy tờ có giá như sau:
– Hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ, séc, công cụ chuyển nhượng khác được quy định tại Điều 1 của Luật Các công cụ chuyển nhượng năm 2005;
– Trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu được quy định tại điểm c thuộc khoản 1, Điều 4, Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005;
– Tín phiếu, hối phiếu, trái phiếu, công trái và công cụ khác làm phát sinh nghĩa vụ trả nợ được quy định tại điểm 16, Điều 3 của Luật Quản lý nợ công năm 2009;
– Các loại chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ; quyền mua cổ phần, chứng quyền, quyền chọn mua, quyền chọn bán, hợp đồng tương lai, nhóm chứng khoán hoặc chỉ số chứng khoán; Hợp đồng góp vốn đầu tư; các loại chứng khoán khác do Bộ Tài chính quy định) được quy định tại khoản 1, Điều 6 của Luật Chứng khoán năm 2006 sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2010;
– Trái phiếu doanh nghiệp được quy định tại Điều 2 của Nghị định số 52/2016/NĐ-CP ngày 19/5/2006 của Chính phủ Về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Đối chiếu tất cả quy định pháp luật hiện hành nêu ở trên thì sổ tiết kiệm không phải là giấy tờ có giá, giấy đăng ký xe hay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng vậy.
Thay vào đó, pháp luật nước ta xem sổ tiết kiệm là một loại giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản, mà tài sản đó chính là số tiền gửi tại ngân hàng ghi nhận trong sổ tiết kiệm.
(Blogluat.com)