Dựa trên những thông tin bạn đọc cung cấp, chúng tôi giải đáp một số thông tin liên quan đến vấn đề vay tiền qua app vay tiền, như sau:
Vay tiền qua app vay tiền, người vay không cần có tài sản bảo đảm. Phía cho vay tiền qua app thì dựa vào uy tín của người vay tiền về thu nhập và khả năng trả nợ để cho vay.
Như vậy, app vay tiền online thực chất là hình thức cho vay tín chấp.
Chính vì thế, người vay tiền quan app vay tiền phải có nghĩa vụ trả nợ như quy định về hợp đồng vay tài sản tại khoản 1 thuộc Điều 466, Bộ Luật Dân sự năm 2015.
Điều luật này nêu rõ: Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Nếu chậm trả lãi lẫn gốc thì người vay tiền có nghĩa vụ trả lãi tiền vay, dựa vào Thông tư 39/2016/TT-NHNN (Quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng):
Khi đến hạn thanh toán mà khách hàng không trả hoặc trả không đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận, thì khách hàng phải trả lãi tiền vay như sau:
– Lãi trên nợ gốc theo lãi suất cho vay đã thỏa thuận tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả;
– Trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi theo quy định tại điểm a khoản này, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả;
– Trường hợp khoản nợ vay bị chuyển nợ quá hạn, thì khách hàng phải trả lãi trên dư nợ gốc bị quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả, lãi suất áp dụng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn.”
Đặc biệt, hành vi không trả lại tài sản cho người khác do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng nhưng sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản thì bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Điều 15, Nghị định 144/2021/NĐ-CP (Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình) thống kê các trường hợp phạt tiền khi vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác.
Trong đó, khoản 1 thuộc Điều 15 bắt buộc phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi:
– Trộm cắp tài sản, xâm nhập vào khu vực nhà ở, kho bãi hoặc địa điểm khác thuộc quản lý của người khác nhằm mục đích trộm cắp, chiếm đoạt tài sản;
– Công nhiên chiếm đoạt tài sản;
– Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
– Không trả lại tài sản cho người khác do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng nhưng sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản;
– Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, theo Bộ Luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì căn cứ vào tính chất, mức độ người vay tiền có thể truy tố tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản khi chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng; nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về cùng hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
Có hành vi như vậy, người vay tiền có thể đối mặt án phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Ngoài ra, cơ quan pháp luật sẽ xử phạt từ 06 tháng đến 03 năm tù giam đối với những trường hợp:
– Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
– Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
(Blogluat.com)