Theo Điều 107 thuộc Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.
Điều luật trên cũng khẳng định nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác.
Điều 186, Bộ Luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 37, Điều 1, Luật Sửa đổi Bộ Luật Hình sự 2017, có quy định một cách chi tiết về tội Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng.
Theo đó, người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 380 của bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Chúng ta có thể thấy người có hành vi từ chối hoặc trốn tranh nghĩa vụ cấp dưỡng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm nếu thuộc những trường hợp dưới đây:
– Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe.
– Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều 186, Bộ Luật Hình sự 2015 mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp phạm tội không chấp hành án trong Điều 380, Bộ Luật Hình sự hiện hành.
Điều 380 quy định về tội Không chấp hành án: 1. Người nào có điều kiện mà không chấp hành bản án hoặc quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm: a) Chống lại chấp hành viên hoặc người đang thi hành công vụ; b) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; c) Tẩu tán tài sản. 3. Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. |
Bên cạnh truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tù lên đến 02 năm thì người có hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng có thể chịu xử phạt vi phạm hành chính, tùy tính chất, mức độ của hành vi sai phạm.
Bạn đọc có thể tham khảo thêm thông tin về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng trong những bài viết khác trên website của chúng tôi.
(Blogluat.com)