Tống đạt là việc thông báo, giao nhận giấy tờ, hồ sơ, tài liệu do thừa phát lại thực hiện theo quy định của Nghị định 08/2020/NĐ-CP và pháp luật có liên quan.
(Căn cứ khoản 2, Điều 2, Nghị định 08/2020/NĐ-CP Về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại)
Phạm vi, thẩm quyền tống đạt
Thừa phát có phạm vi, thẩm quyền tống đạt như quy định ở Điều 32, Nghị định 08/2020/NĐ-CP, cụ thể:
– Thừa phát lại thực hiện tống đạt các giấy tờ, hồ sơ, tài liệu sau đây:
+ Giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của tòa án, VKSND, cơ quan thi hành án dân sự;
+ Giấy tờ, hồ sơ, tài liệu có liên quan đến tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài.
– Trưởng Văn phòng thừa phát lại có thể giao thư ký nghiệp vụ thực hiện việc tống đạt, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận việc tống đạt phải do thừa phát lại thực hiện.
– Văn phòng thừa phát lại phải chịu trách nhiệm trước cơ quan, tổ chức yêu cầu về việc tống đạt thiếu chính xác, không đúng thủ tục, không đúng thời hạn của mình; bồi thường thiệt hại (nếu có) theo quy định của pháp luật.
Nguyên tắc, quy trình tống đạt
Điều 33 thuộc Nghị định 08/2020/NĐ-CP đề ra những quy định buộc thừa phát lại tuân thủ khi tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự.
Cụ thể, thẩm quyền tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của tòa án, VKSND trong việc giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính, việc dân sự trong vụ án hình sự và khiếu nại, tố cáo.
Thẩm quyền tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn cấp tỉnh nơi Văn phòng thừa phát lại đặt trụ sở theo hợp đồng dịch vụ tống đạt được ký kết giữa Văn phòng thừa phát lại với tòa án, VKSND, cơ quan thi hành án dân sự.
Nếu tống đạt ngoài địa bàn cấp tỉnh hoặc ở vùng đảo, quần đảo ngoài địa bàn cấp huyện nơi Văn phòng thừa phát lại đặt trụ sở thì Văn phòng thừa phát lại có thể thỏa thuận với tòa án, VKSND, cơ quan thi hành án dân sự bằng hợp đồng riêng cho từng việc cụ thể.
Điều 33 cũng bắt buộc mọi thủ tục tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của tòa án, VKSND thực hiện đúng pháp luật tố tụng; thủ tục tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của cơ quan thi hành án dân sự thực hiện đúng pháp luật thi hành án dân sự.
Hợp đồng dịch vụ tống đạt
Đáng lưu ý, hợp đồng dịch vụ tống đạt được thực hiện theo phương thức tòa án, VKSND, cơ quan thi hành án dân sự có nhu cầu chuyển giao các loại giấy tờ, hồ sơ, tài liệu đã thỏa thuận tống đạt cho Văn phòng thừa phát lại để thực hiện tống đạt.
Giấy tờ, hồ sơ, tài liệu thỏa thuận tống đạt bao gồm:
+ Giấy báo, giấy triệu tập, giấy mời, thông báo, quyết định đưa vụ án ra xét xử, bản án, quyết định, quyết định kháng nghị của tòa án;
+ Thông báo, quyết định kháng nghị của VKSND;
+ Quyết định về thi hành án, giấy báo, giấy triệu tập, thông báo của cơ quan thi hành án dân sự.
Ở tình huống cần thiết, thừa phát lại có thể tống đạt các loại giấy tờ, hồ sơ, tài liệu khác theo đề nghị từ tòa án, VKSND, cơ quan thi hành án dân sự.
Số lượng và từng loại giấy tờ, hồ sơ, tài liệu cụ thể giao thẩm quyền tống đạt được thực hiện thông qua biên bản có xác nhận của 02 bên theo ngày.
Về nội dung hợp đồng dịch vụ tống đạt, cơ quan pháp luật yêu cầu phải có loại giấy tờ, hồ sơ, tài liệu cần tống đạt; thời gian thực hiện hợp đồng; thủ tục tống đạt; quyền, nghĩa vụ của các bên; chi phí tống đạt.
Sau khi ký kết, hợp đồng dịch vụ tống đạt được gửi đến Kho bạc Nhà nước nơi tòa án, VKSND, cơ quan thi hành án dân sự mở tài khoản để kiểm soát việc thanh toán chi phí tống đạt cho Văn phòng thừa phát lại.
Mỗi tòa án, mỗi VKSND, mỗi cơ quan thi hành án dân sự có thể ký hợp đồng dịch vụ tống đạt với một hoặc nhiều Văn phòng thừa phát lại.
(Blogluat.com)