Đối với vụ án hiếp dâm tập thể, cơ quan pháp luật xác định tình tiết nhiều người hiếp dâm một người là tình tiết định khung tăng nặng hình phạt khi xem xét hình phạt.
Hiếp dâm tập thể và hình phạt
Điểm c thuộc khoản 2, Điều 141 về tội “Hiếp dâm” trong Bộ Luật Hình sự hiện hành, nêu rõ người phạm tội bị phạt tù từ 7 đến 15 năm trong trường hợp nhiều người hiếp dâm một người.
Đáng lưu ý, điểm b thuộc khoản 3, Điều 142 về tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” buộc người có hành vi phạm tội nhận mức án 20 năm tù đến chung thân, thậm chí tử hình trong trường hợp nhiều người hiếp dâm một người.
Hướng dẫn xác định chi tiết “Nhiều người hiếp dâm một người”, Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP do Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao ban hành (Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ Luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi), giải thích nhiều người hiếp một người là trường hợp hai người trở lên hiếp dâm một người.
Cũng được coi là “nhiều người hiếp dâm một người”, nếu có từ hai người trở lên cùng bàn bạc, thống nhất sẽ thay nhau hiếp dâm một người, nhưng vì lý do ngoài ý muốn mới có một người thực hiện trót lọt hành vi hiếp dâm.
Nếu có từ hai người trở lên cấu kết với nhau tổ chức, giúp sức cho một người hiếp dâm thì không được xem là “nhiều người hiếp dâm một người”. Nghị quyết xác định đây là trường hợp đồng phạm.
Nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội xâm hại tình dục 1. Tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật hình sự và tố tụng hình sự. 2. Áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm luân thường, đạo đức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng nghề nghiệp, công việc; xâm hại người dưới 13 tuổi. 3. Áp dụng các hình phạt bổ sung cao nhất theo quy định của Bộ Luật Hình sự và các đạo luật khác có liên quan. Trong trường hợp cần thiết có thể cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề liên quan đến người dưới 16 tuổi. Điều 6, Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP |
Tòa án nào có thẩm quyền xét xử vụ án hiếp dâm tập thể?
Hiếp dâm tập thể được xếp vào loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Thẩm quyền xét xử vụ án hiếp dâm tập thể quy định căn cứ khoản 1 thuộc Điều 268, Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2015 về “Thẩm quyền xét xử của tòa án”.
Theo đó, tòa án cấp huyện và tòa án quân sự khu vực xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng, trừ những tội phạm:
– Các tội xâm phạm an ninh quốc gia;
– Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh;
– Các tội quy định tại Điều 123, 125, 126, 227, 277, 278, 279, 280, 282, 283, 284, 286, 287, 288, 337, 368, 369, 370, 371, 399 và 400 của Bộ Luật Hình sự;
– Các tội phạm được thực hiện ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Từ đó chúng ta có thể hiểu rằng tòa án cấp huyện không có thẩm quyền xét xử tội phạm đặc biệt nghiệm trọng, cụ thể ở đây là tội phạm hiếp dâm tập thể.
Trong khi đó, khoản 2 thuộc Điều 268 nêu rõ tòa án cấp tỉnh và tòa án quân sự cấp quân khu xét xử sơ thẩm những vụ án:
– Vụ án hình sự về các tội phạm không thuộc thẩm quyền của tòa án cấp huyện và tòa án quân sự khu vực;
– Vụ án hình sự có bị cáo, bị hại, đương sự ở nước ngoài hoặc tài sản có liên quan đến vụ án ở nước ngoài;
– Vụ án hình sự thuộc thẩm quyền xét xử của tòa án cấp huyện và tòa án quân sự khu vực nhưng có nhiều tình tiết phức tạp khó đánh giá, thống nhất về tính chất vụ án hoặc liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành;
– Vụ án mà bị cáo là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, người có chức sắc trong tôn giáo hoặc có uy tín cao trong dân tộc ít người.
Chiếu theo những quy định trên, người phạm tội trong vụ án hiếp dâm tập thể sẽ bị xét xử bởi tòa án cấp tỉnh và tòa án quân sự cấp quân khu từ cấp sơ thẩm.
(Blogluat.com)