Thời đại mạng xã hội bùng nổ, việc review, bóc phốt công ty hay đánh giá dịch vụ, sản phẩm trở nên phổ biến.
Tuy nhiên, nhiều người lợi dụng điều này đăng thông tin sai sự thật, bôi nhọ doanh nghiệp. Vậy, hành vi này bị xử lý thế nào?
Mức phạt hành chính “không phải dạng vừa”
Nghị định 15/2020/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP) quy định rõ ràng: Phạt 10-20 triệu đồng với cá nhân, 20-40 triệu đồng với tổ chức nếu cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức trên mạng xã hội.
Ngoài ra, cá nhân sai phạm còn có thể chịu hình phạt bổ sung, gồm:
– Buộc gỡ bỏ thông tin sai lệch.
– Tịch thu thiết bị vi phạm.
Vi phạm nặng, đối mặt với án hình sự
Người có hành vi review, bóc phốt công ty sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với các tội danh:
– Tội Vu khống (theo Điều 156, Bộ Luật Hình sự 2015):
Đối tượng vi phạm bị phạt tiền đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù 3 tháng đến 3 năm tùy theo mức độ vi phạm.
Đặc biệt, pháp luật có thể phạt tù từ 1-3 năm đối với hành vi vu khống nhiều người, người thi hành công vụ, phát tán trên mạng, gây rối loạn tâm thần cho nạn nhân, hoặc khiến nạn nhân tự sát.
– Tội Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng (theo Điều 288, Bộ Luật Hình sự 2015):
Điều 228 cho phép cơ quan pháp luật phạt đối tượng vi phạm số tiền lên đến 100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 1-5 năm.
– Tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, tổ chức, cá nhân (Theo Điều 331, Bộ Luật Hình sự 2015):
Nếu pháp luật đủ căn cứ cáo buộc tội danh trên, người phạm tội có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 6 tháng đến 3 năm.
Lưu ý, mức độ xử phạt phụ thuộc vào tính chất, mức độ nghiêm trọng và hậu quả.
Khi xử lý, cơ quan chức năng phải có bằng chứng rõ ràng chứng minh nội dung review, bóc phốt là sai sự thật.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại
Công ty bị xâm phạm do hành vi review, bóc phốt sai sự thật trên mạng xã hội có quyền yêu cầu người vi phạm bồi thường thiệt hại, chiếu theo Điều 11 thuộc Bộ Luật Dân sự 2015.
Cụ thể, khi quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân bị xâm phạm thì chủ thể đó có quyền tự bảo vệ theo quy định Bộ luật Dân sự 2015, luật khác có liên quan hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền:
– Công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự của mình.
– Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm.
– Buộc xin lỗi, cải chính công khai.
– Buộc thực hiện nghĩa vụ.
– Buộc bồi thường thiệt hại.
– Hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền.
– Yêu cầu khác theo quy định của luật.
Đồng thời, Điều 13 thuộc Bộ Luật Dân sự 2015 chỉ rõ cá nhân, pháp nhân có quyền dân sự bị xâm phạm được bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Tùy từng vụ việc thực tế mà cơ quan có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp chế tài cụ thể với người có hành vi vi phạm.
Đóng góp ý kiến sao cho đúng luật?
Căn cứ khoản 1, Điều 44 thuộc Nghị định 145/2020/NĐ-CP, người lao động được tham gia ý kiến tại công ty về những ý kiến sau:
– Xây dựng, sửa đổi, bổ sung nội quy, quy chế và các văn bản quy định khác của người sử dụng lao động liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động;
– Xây dựng, sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương, định mức lao động; đề xuất nội dung thương lượng tập thể;
– Đề xuất, thực hiện giải pháp tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ;
– Nội dung khác liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động theo quy định của pháp luật.
Về hình thức tham gia ý kiến, khoản 2 thuộc Điều 44 giải thích những nội dung quy định nêu trên mà pháp luật quy định cụ thể hình thức người lao động tham gia ý kiến thì thực hiện theo quy định đó.
Trường hợp pháp luật không quy định cụ thể hình thức thì người lao động căn cứ vào đặc điểm sản xuất, kinh doanh, tổ chức lao động, nội dung người lao động được tham gia ý kiến và quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc để lựa chọn hình thức dưới đây:
– Tham gia ý kiến trực tiếp hoặc thông qua tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, nhóm đại diện đối thoại của người lao động tại hội nghị người lao động, đối thoại tại nơi làm việc;
– Gửi góp ý, kiến nghị trực tiếp;
– Hình thức khác mà pháp luật không cấm.
(Blogluat.com)