Site icon Blogluat.com

Không đóng bảo hiểm xã hội nhưng công ty vẫn trừ lương, cách đòi lại năm 2025

không đóng bảo hiểm xã hội

Dựa trên thông tin bạn đọc cung cấp, chúng tôi đưa ra một số giải pháp hữu ích xử lý tình huống công ty có trừ tiền hàng tháng nhưng không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hiện nay là 32%. Trong đó, người lao động đóng 10,5% trên số tiền lương, doanh nghiệp đóng 21,5% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Người sử dụng lao động đã xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động khi vẫn trừ tiền bảo hiểm xã hội từ lương hàng tháng nhưng không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Muốn đòi lại quyền lợi, người lao động có thể tiến hành phương án dưới đây

– Bước 1: Gửi đơn phản ánh đến Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội (địa phương công ty đặt trụ sở chính) đề nghị hỗ trợ giải quyết.

– Bước 2: Nếu Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội đã giải quyết nhưng không đạt được kết quả thì người lao động làm đơn khiếu nại gửi đến người đại diện theo pháp luật của công ty.

+ Trong 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại, người đại diện theo pháp luật của công ty giải quyết khiếu nại lần đầu phải thụ lý giải quyết và thông báo bằng văn bản về việc thụ lý giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại và Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính).

+ Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu là không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết không quá 45 ngày.

– Bước 3: Nếu tiếp tục không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của người đại diện theo pháp luật của công ty hoặc quá thời hạn nói trên mà khiếu nại không được giải quyết, thì người lao động có quyền khiếu nại lần hai.

+ Đơn khiếu nại lần hai gửi đến Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính).

– Bước 4: Khi không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc quá thời hạn quy định (45 ngày kể từ ngày thụ lý hoặc không quá 60 ngày đối với vụ việc phức tạp) mà khiếu nại không được giải quyết, người lao động có quyền khởi kiện vụ án tại tòa án có thẩm quyền.

Ngoài ra, bạn đọc có thể tham khảo, tìm hiểu thêm nhiều thông tin pháp lý bổ ích liên quan đến vấn đề tranh chấp lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, hợp đồng lao động… tại chuyên mục LAO ĐỘNG – TIỀN LƯƠNG trên Blogluat.com.

 Cơ quan có thẩm quyền có thể phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính, nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau:
– Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp;
– Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định mà không phải là trốn đóng;
– Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp mà không phải là trốn đóng;
– Chiếm dụng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động.

Trích Điều 39, Nghị định số 12/2022/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

(Blogluat.com)

Exit mobile version