Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 giải thích rõ HÔN NHÂN là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn; kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng để tạo nên một gia đình. Trong đó, một cuộc hôn nhân hợp pháp là phải kết hôn theo đúng luật định và được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền.
HÔN NHÂN ĐỒNG TÍNH có được thừa nhận không?
Pháp luật nước ta hiện chưa thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính. Vì thế ở nước ta, các cặp đôi ĐỒNG TÍNH hiện vẫn chưa được pháp luật thừa nhận là một cuộc hôn nhân hợp pháp. Các cặp đôi ĐỒNG TÍNH chỉ có thể sống chung với nhau và không có mối quan hệ ràng buộc mang tính pháp lý về quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng, cấp dưỡng cũng như tài sản chung hình thành trong thời kỳ hôn nhân.
Điều 8, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về điều kiện kết hôn như sau:
- Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
- Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
- Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
- Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
- Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2, Điều 5 của Luật này.
- Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.
Như vậy, pháp luật không nghiêm cấm việc những người ĐỒNG TÍNH kết hôn với nhau, nhưng cũng không thừa nhận cuộc hôn nhân này.
Khi nào người ĐỒNG TÍNH được đăng ký kết hôn?
Mọi văn bản quy phạm pháp luật vừa đảm bảo tính thống nhất, tính khả thi; vừa phải xuất phát từ thực tế khách quan cũng như xuất phát từ bản chất vấn đề pháp lý thực tế. Vì vậy, dù không nghiêm cấm kết hôn đồng giới nhưng pháp luật cần quá trình để thống nhất tất cả văn bản pháp quy có liên quan liên quan đến vấn đề nói trên.
Nói cách khác, nhà chức trách cần cân nhắc, xem xét bổ sung, sửa đổi nhiều quy định khác trong hệ thống pháp luật mới có thể cho phép hoặc công nhận HÔN NHÂN ĐỒNG TÍNH. Đơn cử, cơ quan soạn thảo pháp luật cần bổ sung quy định liên quan đến quá trình giải quyết hậu quả của việc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính (tài sản, quyền nuôi dạy con…) trong những trường hợp phát sinh tranh chấp.
Theo quy định hiện hành, muốn đăng ký kết hôn thì trước tiên, các cá nhân phải được pháp luật công nhận giới tính (sau khi chuyển đổi). Sau khi được cơ quan chức năng công nhận giới tính, họ mới có thể tiến hành làm thủ tục đăng ký kết hôn đúng quy định.
Điều 36 thuộc Bộ Luật Dân sự năm 2015 và Nghị định số 88/2008/NĐ-CP ban hành ngày 5/8/2008 đã đề cập đến quyền xác định lại giới tính, cụ thể:
- Cá nhân có quyền xác định lại giới tính: việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ giới tính.
- Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật.
- Cá nhân đã thực hiện việc xác định lại giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được xác định lại theo quy định của Bộ Luật này và luật khác có liên quan.
Không chỉ thế, Điều 37, Bộ Luật Dân sự năm 2015 nêu rõ cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ Luật này và luật khác có liên quan. Điều luật này còn xác định quyền chuyển đổi giới tính là quyền của công dân, quyền đã được luật hóa. Dù vậy, muốn thực hiện được quyền này thì cần có Luật Chuyển đổi giới tính riêng.
Đồng thời, Điều 3, Luật Hộ tịch năm 2014 có quy định cụ thể về việc đăng ký lại giới tính. Cụ thể, người dân “Ghi vào Sổ hộ tịch việc thay đổi hộ tịch của cá nhân theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong đó có nội dung xác định lại giới tính.
Điều 3. Nội dung đăng ký hộ tịch
2. Ghi vào Sổ hộ tịch việc thay đổi hộ tịch của cá nhân theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền: a) Thay đổi quốc tịch; b) Xác định cha, mẹ, con; c) Xác định lại giới tính; d) Nuôi con nuôi, chấm dứt việc nuôi con nuôi; đ) Ly hôn, hủy việc kết hôn trái pháp luật, công nhận việc kết hôn; e) Công nhận giám hộ; g) Tuyên bố hoặc hủy tuyên bố một người mất tích, đã chết, bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự. Trích Luật Hộ tịch năm 2014 |
Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về tờ trình xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính, do đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí thuộc đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đề xuất.
Báo cáo tóm tắt tờ trình, đại biểu Nguyễn Anh Trí nhận thấy cần điều chỉnh tên gọi từ Luật Bản dạng giới thành Luật Chuyển đổi giới tính. Việc đổi tên luật nhằm phản ánh chính xác phạm vi, bản chất đối tượng điều chỉnh của đề nghị xây dựng luật.
Những thay đổi trên mở ra cánh cửa giúp những người ĐỒNG TÍNH đến gần hơn với việc xác định lại giới tính một cách hợp pháp, tiếp đến là đăng ký kết hôn.
(Nhung Nguyễn)