Hóa đơn điện tử là hóa đơn có mã hoặc không có mã của cơ quan thuế, được thể hiện ở dạng dữ liệu điện tử do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập bằng phương tiện điện tử để ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật về kế toán, pháp luật về thuế, bao gồm cả trường hợp hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế. Trong đó:
– Hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế là hóa đơn điện tử được cơ quan thuế cấp mã trước khi tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gửi cho người mua.
Mã của cơ quan thuế trên hóa đơn điện tử gồm: số giao dịch là một dãy số duy nhất do hệ thống của cơ quan thuế tạo ra và một chuỗi ký tự được cơ quan thuế mã hóa dựa trên thông tin của người bán lập trên hóa đơn.
– Hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế là hóa đơn điện tử do tổ chức bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gửi cho người mua không có mã của cơ quan thuế.
(Khoản 2 Điều 3 Nghị định 123/2020/NĐ-CP Quy định về hóa đơn, chứng từ)
Xử phạt nghiêm hành vi mua bán hóa đơn điện tử trái phép
Theo quy định, pháp luật có thể truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử phạt hành chính hành vi mua bán trái phép hóa đơn(bao gồm cả hóa đơn điện tử) tùy mức độ vi phạm.
Về xử phạt hành chính:
Việc mua hóa đơn là hành vi sử dụng bất hợp pháp hóa đơn. Hành vi sử dụng bất hợp pháp hóa đơn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng (căn cứ Thông tư 10/2014/TT-BTC Hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn)
Không những vậy, cá nhân, tổ chức sai phạm có thể bị xử phạt hành chính đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế; chi tiết như sau:
– Phạt tiền 1 lần tính trên số thuế trốn, số thuế gian lận đối với người nộp thuế vi phạm lần đầu.
– Phạt tiền 1,5 lần tính trên số thuế trốn đối với người nộp thuế trong các trường hợp: vi phạm lần đầu, có tình tiết tăng nặng; hoặc vi phạm lần thứ hai, có một tình tiết giảm nhẹ.
– Phạt tiền 2 lần tính trên số thuế trốn đối với người nộp thuế trong các trường hợp: vi phạm lần thứ hai mà không có tình tiết giảm nhẹ; hoặc vi phạm lần thứ ba và có một tình tiết giảm nhẹ.
– Phạt tiền 2,5 lần tính trên số thuế trốn đối với người nộp thuế trong các trường hợp: vi phạm lần thứ hai mà có một tình tiết tăng nặng; hoặc vi phạm lần thứ ba mà không có tình tiết giảm nhẹ.
– Phạt tiền 3 lần tính trên số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế trong các trường hợp: vi phạm lần thứ hai mà có từ hai tình tiết tăng nặng trở lên; hoặc vi phạm lần thứ ba có tình tiết tăng nặng hoặc vi phạm từ lần thứ tư trở đi.
Ngoài ra, cơ quan chức năng buộc cá nhân, tổ chức vi phạm thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là nộp đủ số tiền trốn thuế, gian lận thuế.
Về xử lý hình sự:
Căn cứ theo Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, cơ quan pháp luật có căn cứ cáo buộc tội danh “Trốn thuế” theo Điều 200, Bộ Luật Hình sự hiện hành, như sau:
– Phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm đối với hành vi trốn thuế với số tiền từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng, hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế.
– Phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng; hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm đối với những trường hợp:
- Phạm tội có tổ chức;
- Số tiền trốn thuế từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
- Phạm tội 02 lần trở lên;
- Tái phạm nguy hiểm.
– Phạt tiền từ 1,5 tỷ đồng đến 4,5 tỷ đồng; hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm đối với trường hợp trốn thuế với số tiền 1 tỷ đồng trở lên.
– Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm; tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Bên cạnh tội “Trốn thuế”, người có hành vi mua bán hóa đơn trái phép (trong đó có hóa đơn điện tử) còn có thể vướng vào tội danh “In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước) theo Điều 203, Bộ Luật hình sự hiện hành.
Điều luật này cho phép cơ quan chức năng phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm; hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với người thực hiện hành vi: in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước ở dạng phôi từ 50 số đến dưới 100 số hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 10 số đến dưới 30 số hoặc thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 đồng.
Người phạm tội phải chịu mức án tù từ 01 đến 05 năm; hoặc mức phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng, nếu:
- Phạm tội có tổ chức;
- Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
- Hóa đơn, chứng từ ở dạng phôi từ 100 số trở lên hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 30 số trở lên;
- Thu lợi bất chính 100 triệu đồng trở lên;
- Gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước 100 triệu đồng trở lên;
- Tái phạm nguy hiểm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ; cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Lưu ý, pháp nhân thương mại cũng có thể bị xử lý hình sự theo những quy định nêu trên.
Bạn đọc có thể tham khảo thêm nhiều bài viết khác về mua bán hóa đơn tại website của chúng tôi.
(Blogluat.com)