Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi cung cấp tất cả trường hợp xử phạt hành chính đối với hành vi LỪA ĐẢO chiếm đoạt tài sản khi hành vi này chưa đủ điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự về tội LỪA ĐẢO chiếm đoạt tài sản. Đồng thời, bạn đọc sẽ tiếp cận các khái niệm liên quan đến LỪA ĐẢO chiếm đoạt tài sản khi theo dõi bài viết.
Khi nào người có hành vi LỪA ĐẢO chiếm đoạt tài sản bị phạt hành chính?
Trường hợp hành vi LỪA ĐẢO chiếm đoạt tài sản chưa đủ điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh LỪA ĐẢO chiếm đoạt tài sản tại Điều 174, Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, thì người có hành vi sai phạm sẽ phải chịu phạt vi phạm hành chính.
Cụ thể, khoản 1, Điều 15, Nghị định 144/2021/NĐ-CP nêu rằng người dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác thì sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Khoản 1, Điều 15, Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi LỪA ĐẢO chiếm đoạt tài sản như sau: 1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Trộm cắp tài sản, xâm nhập vào khu vực nhà ở, kho bãi hoặc địa điểm khác thuộc quản lý của người khác nhằm mục đích trộm cắp, chiếm đoạt tài sản; b) Công nhiên chiếm đoạt tài sản; c) Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả; d) Không trả lại tài sản cho người khác do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng nhưng sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản; đ) Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. |
Ngoài ra, người có hành vi LỪA ĐẢO chiếm đoạt tài sản còn chịu hình phạt bổ sung và thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, như sau:
- Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính
- Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính
- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Hiểu đúng về LỪA ĐẢO, chiếm đoạt, tài sản
LỪA ĐẢO là hành vi gian dối để làm người khác tin nhằm thực hiện những mục đích vụ lợi, trái pháp luật .
Chiếm đoạt là hành vi cố ý chuyển dịch một cách trái pháp luật tài sản đang thuộc quản lý của người khác vào phạm vi sở hữu của mình.
Theo Điều 105, Bộ Luật Dân sự năm 2015, tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản; trong đó, Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.
Có thể hiểu LỪA ĐẢO chiếm đoạt tài sản là hành vi gian dối do một người thực hiện nhằm mục đích dịch chuyển một cách trái pháp luật tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá… đang thuộc sở hữu, quản lý của người khác (cá nhân, Nhà nước) vào phạm vi sở hữu của mình.
(Nguồn tham khảo: Nghị định 144/2021/NĐ-CP)