Chứng khoán là một loại tài sản có thể được phép giao dịch, mua bán trên thị trường chứng khoán.
Chứng khoán có thể mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư thông qua việc tăng giá hoặc thu nhập từ cổ tức, lãi suất.
1. Các loại chứng khoán
Luật Chứng khoán 2019 định nghĩa chứng khoán là tài sản, bao gồm những loại sau:
– Cổ phiếu: là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn cổ phần của tổ chức phát hành.
– Trái phiếu: là loại chứng khoán xác nhận nghĩa vụ của tổ chức phát hành phải trả cho người sở hữu trái phiếu một khoản tiền nhất định, gồm gốc và lãi; theo nguyên tắc lãi suất và thời gian đã được xác định.
– Chứng chỉ quỹ: là loại chứng khoán xác nhận quyền sở hữu của nhà đầu tư đối với một phần vốn của quỹ đại chúng.
– Chứng quyền: là loại chứng khoán cho phép người sở hữu mua hoặc bán một số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá đã được xác định trong khoảng thời gian hoặc vào ngày đã được xác định trong tương lai.
– Chứng quyền: có bảo đảm là loại chứng khoán phái sinh cho phép người sở hữu mua hoặc bán một số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá đã được xác định trong khoảng thời gian hoặc vào ngày đã được xác định trong tương lai, và được bảo đảm thanh toán bằng tài sản cơ sở hoặc bằng một tài sản khác có giá trị tương đương.
– Quyền mua cổ phần: là loại chứng khoán cho phép người sở hữu được quyền mua một số lượng cổ phần nhất định của tổ chức phát hành với mức giá được xác định trong khoảng thời gian hoặc vào ngày đã được xác định trong tương lai.
– Chứng chỉ lưu ký: là loại chứng khoán xác nhận quyền sở hữu của người sở hữu đối với một số lượng cổ phiếu của tổ chức phát hành, được lưu ký tại một tổ chức lưu ký.
– Chứng khoán phái sinh: là công cụ tài chính dưới dạng hợp đồng, trong đó xác nhận quyền, nghĩa vụ của các bên đối với việc thanh toán tiền, chuyển giao số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá đã được xác định trong khoảng thời gian hoặc vào ngày đã được xác định trong tương lai.
– Các loại chứng khoán khác do Chính phủ quy định.
2. Mệnh giá và hình thức chào bán chứng khoán
2.1. Mệnh giá chứng khoán
Luật Chứng khoán 2019 khẳng định mệnh giá chứng khoán chào bán trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được ghi bằng Đồng Việt Nam.
Cùng đó, mệnh giá cổ phiếu, chứng chỉ quỹ chào bán ra công chúng là 10 nghìn đồng. Mệnh giá của trái phiếu chào bán ra công chúng là 100 nghìn đồng và bội số của 100 nghìn đồng.
Đối với trường hợp giá chứng khoán của tổ chức phát hành trên hệ thống giao dịch chứng khoán thấp hơn mệnh giá, Luật Chứng khoán 2019 cho phép tổ chức phát hành được chào bán chứng khoán với giá thấp hơn mệnh giá.
2.2. Hình thức chào bán chứng khoán ra công chúng
Pháp luật đề ra các hình thức chào bán chứng khoán ra công chúng thông qua Điều 10, Nghị định 155/2020/NĐ-CP (Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán).
Theo đó, Điều 10 công nhận 4 hình thức chào bán chứng khoán lần đầu ra công chúng, gồm:
– Chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng để huy động thêm vốn cho tổ chức phát hành;
– Chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng để trở thành công ty đại chúng thông qua thay đổi cơ cấu sở hữu nhưng không làm tăng vốn điều lệ của tổ chức phát hành;
– Kết hợp hình thức quy định tại các điểm a, b khoản này;
– Chào bán chứng chỉ quỹ lần đầu ra công chúng để thành lập quỹ đầu tư chứng khoán.
Về quy định liên quan đến chào bán thêm chứng khoán ra công chúng, Điều 10 đề ra 2 hình thức, gồm:
– Công ty đại chúng chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng hoặc phát hành quyền mua cổ phần cho cổ đông hiện hữu;
– Công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán chào bán thêm chứng chỉ quỹ ra công chúng để tăng vốn điều lệ của Quỹ đầu tư.
Bên cạnh đó, Điều 10 thuộc Nghị định 155/2020/NĐ-CP còn nêu thêm hai hình thức: cổ đông công ty đại chúng chào bán cổ phiếu ra công chúng; tổ chức phát hành chào bán trái phiếu và các loại chứng khoán khác ra công chúng.
(Blogluat.com)