Việc chứng minh lỗi của vợ/chồng dẫn đến ly hôn (ví dụ: vợ/chồng ngoại tình dẫn đến ly hôn) rất quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án ly hôn, liên quan mật thiết với kết quả chia tài sản khi ly hôn.
Có chứng cứ ngoại tình sẽ dễ ly hôn đơn phương
Quá trình giải quyết vụ án ly hôn, nguyên đơn có quyền cung cấp chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện.
Về chia tài sản chung khi phân xử vụ án ly hôn, tòa án căn cứ Điều 59 thuộc Luật Hôn nhân và gia đình 2014 với yếu tố: Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
Kế đến, điểm d thuộc khoản 4, Điều 7, Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP (Hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình), nêu rõ:
– Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng là lỗi của vợ hoặc chồng vi phạm quyền, nghĩa vụ về nhân thân, tài sản của vợ chồng dẫn đến ly hôn.
– Trường hợp người chồng có hành vi bạo lực gia đình, không chung thủy hoặc phá tán tài sản thì khi giải quyết ly hôn tòa án xem xét yếu tố lỗi của người chồng khi chia tài sản chung của vợ chồng để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của vợ và con chưa thành niên.
Nếu có chứng cứ chứng minh vợ/chồng có hành vi ngoại tình thì người còn lại có thể tiến hành đơn phương ly hôn, nếu muốn ly hôn.
Thủ tục ly hôn đơn phương cần những giấy tờ sau: – Đơn khởi kiện ly hôn đơn phương theo Điều 189, Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015; – Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn; – Giấy xác nhận thông tin cư trú; – CCCD/Hộ chiếu của vợ, chồng; – Bản sao giấy khai sinh của con chung (nếu có con); – Các giấy tờ chứng minh về tài sản và quyền nuôi con. – Một số giấy tờ khác theo yêu cầu từ cơ quan tiếp nhận vụ việc. Tòa án cấp quận, huyện nơi người bị kiện cư trú có thẩm quyền giải quyết vụ việc ly hôn. |
Nguồn thu thập chứng cứ ngoại tình
Trong hoạt động tố tụng dân sự, cơ quan pháp luật công nhận chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật, do đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho tòa án trong quá trình tố tụng; hoặc do tòa án thu thập đúng trình tự, thủ tục.
Tòa án sử dụng chứng cứlàm căn cứ xác định những tình tiết khách quan của vụ án, xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp.
Theo pháp luật dân sự, cơ quan chức năng cũng như các bên liên quan xác định, thu thập chứng cứ từ nhiều nguồn, gồm: tài liệu đọc được, nghe được nhìn được, dữ liệu điện tử; vật chứng; lời khai của đương sự; lời khai của người làm chứng; kết luận giám định; biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ; kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản; văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập; văn bản công chứng, chứng thực, các nguồn khác mà pháp luật có quy định.
Trong hoạt động tố tụng hình sự, cơ quan pháp luật công nhận chứng cứ là những gì có thật, được thu thập đúng trình tự, thủ tục.
Cơ quan tiến hành tố tụng dùng chứng cứ làm căn cứ xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.
Theo pháp luật dân sự, chứng cứ được thu thập, xác định từ các nguồn: vật chứng; lời khai, lời trình bày; dữ liệu điện tử; kết luận giám định, định giá tài sản; biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác; tài liệu, đồ vật khác.
Lưu ý, những gì có thật nhưng không thu thập đúng trình tự, thủ tục theo pháp luật hình sự thì không có giá trị pháp lý, không trở thành căn cứ giải quyết vụ án hình sự.
Có nhiều cách thu thập chứng cứ, gồm:
– Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có quyền tiến hành hoạt động thu thập chứng cứ; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, trình bày những tình tiết làm sáng tỏ vụ án.
– Người bào chữa có quyền gặp người mà mình bào chữa, bị hại, người làm chứng và những người khác biết về vụ án để hỏi, nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa.
– Những người tham gia tố tụng khác, cơ quan, tổ chức hoặc bất cứ cá nhân nào đều có thể đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử và trình bày những vấn đề liên quan đến vụ án.
Khi nào tòa án công nhận chứng cứ ngoại tình ?
Vậy, chứng cứ ngoại tình như thế nào mới được tòa án công nhận?
Chứng cứ ngoại tình là những gì thể hiện việc vợ/chồng có hành vi chung sống như gia đình với người khác trong quá trình hôn nhân, điển hình là tin nhắn, hình ảnh, video hiển thị nội dung kể trên.
Tòa án chỉ chấp nhận xem xét những chứng cứ ngoại tình có đảm bảo yếu tố khách quan, hợp pháp.
Bên cạnh đó, chứng cứ chứng minh hành vi ngoại tình phải tuân thủ pháp luật tố tụng hình sự, đảm bảo tính chân thật và chính xác.
Pháp luật có thể phân định chứng cứ ngoại tình theo những yếu tố sau:
– Chứng cứ ngoại tình có thể là tin nhắn, hình ảnh, băng ghi âm, ghi hình có thật, chứng minh vợ/chồng có cử chỉ, hành động lộ rõ dấu hiệu ngoại tình .
– Lời khai từ người có hành vi ngoại tình (khó thu thập).
– Ở tình huống người vợ ngoại tình , chứng cứ ngoại tình có thể là tình tiết người vợ sinh con nhưng kết luận quả giám định ADN thể hiện đứa con không phải là con ruột của người chồng hợp pháp.
– Ở tình huống người chồng ngoại tình , chứng cứ ngoại tình có thể là con riêng của người chồng, chứng minh thông qua kết luận giám định ADN.
– Chứng cứ ngoại tình có thể là lời khai của người xâm phạm quan hệ hôn nhân (người thứ 3), nếu lời khai này đủ cơ sở chứng minh việc ngoại tình có thật trên thực tế.
(Blogluat.com)