Site icon Blogluat.com

Chia đôi tài sản trong vụ án ly hôn năm 2024, khi nào?

chia đôi tài sản

Bài viết tổng hợp thông tin pháp lý liên quan đến nguyên tắc chia đôi tài sản trong vụ án ly hôn; những trường hợp ngoại lệ khiến tòa án có thể không chia đôi tài sản chung của vợ chồng khi xét xử vụ án ly hôn; hướng xử lý tài sản riêng, hậu quả của việc chia tài sản chung. 

Chia đôi tài sản chung nếu không thể tự thỏa thuận

Pháp luật nước ta đề cập đến nguyên tắc chia đôi tài sản khi ly hôn tại Điều 59, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, cụ thể:  

– Trong trường hợp vợ chồng lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì tài sản chung của vợ chồng được chia theo thỏa thuận của vợ chồng.

– Trong trường hợp vợ chồng không lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì áp dụng chế độ tài sản theo luật định. Theo đó, tài sản chung của vợ chồng được chia theo nguyên tắc sau đây:

+ chia đôi tài sản chung của vợ chồng cho mỗi bên.

+ Tài sản riêng của mỗi bên không được chia.

+ Giá trị tài sản chung của vợ chồng có thể chia được bằng hiện vật; nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị. Bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần giá trị chênh lệch.

– Tài sản riêng của vợ, chồng được bảo vệ theo quy định của Bộ Luật Dân sự và các luật khác có liên quan.

Đối chiếu những nguyên tắc trên, tòa án sẽ chia đôi tài sản của vợ chồng khi phân chia tài sản trong vụ án ly hôn, không phân biệt ai là người có lỗi dẫn đến ly hôn.

Có thể không chia đôi tài sản chung?

Ở một số trường hợp ngoại lệ, tòa án có thể xem xét không chia đôi tài sản chung của vợ chồng khi giải quyết vấn đề tài sản trong vụ án ly hôn, như: 

– Tài sản chung của vợ chồng là tài sản đặc biệt, mang tính chất nhân thân, không thể chia được, thì tài sản đó thuộc về bên có quyền sở hữu theo luật định.

– Vợ chồng đã thỏa thuận về việc phân chia tài sản chung khi ly hôn, thì tài sản chung sẽ được chia theo thỏa thuận đó.

Ngoài ra, khi chia tài sản chung trong vụ án ly hôn, tòa án sẽ xem xét đến yếu tố công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển khối tài sản chung. Bên nào có công sức đóng góp nhiều hơn sẽ được chia phần tài sản nhiều hơn.

Công sức đóng góp của vợ chồng vào việc tạo lập, duy trì, phát triển khối tài sản chung thể hiện thông qua những yếu tố, gồm:

– Lao động, tiền của đóng góp trực tiếp vào việc tạo lập, duy trì, phát triển khối tài sản chung.

– Tham gia công việc gia đình để tạo điều kiện cho bên kia tham gia lao động, sản xuất, kinh doanh.

– Chăm sóc, giáo dục con, vun đắp hạnh phúc gia đình.

Nhìn chung, nguyên tắc chia đôi tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn là nguyên tắc chung. Tòa án có thể áp dụng nguyên tắc chia đôi tài sản chung đối với hầu hết các trường hợp phân chia tài sản trong vụ án ly hôn.

Mặc dù thế, tòa án có thể không chia đôi tài sản chung ở một số trường hợp ngoại lệ (có thống kê ở bài viết này).

Một điểm đang chú ý hơn cả là tòa án sẽ xét đến công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển khối tài sản chung. Bên nào đóng góp công sức nhiều hơn thì sẽ được chia phần tài sản nhiều hơn.

Có chia đôi tài sản riêng không?

Khoản 4 thuộc Điều 59, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, khẳng định tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định tại Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

Đối với tình huống có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.

Về xác định tài sản sản riêng, Điều 43 thuộc Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, giải thích rằng tài sản riêng của vợ/ chồng gồm: tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các Điều 38, 39 và 40 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ/chồng cũng là tài sản riêng. 

Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 thuộc Điều 33 và khoản 1 thuộc Điều 40, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

Theo đó, khoản 1 thuộc Điều 33 nêu rõ tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 thuộc Điều 40, Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Ngoài ra, quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

Hướng dẫn về cách xác định hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng, Điều 10 thuộc Nghị định số 126/2014/NĐ-CP (Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình) đề cập như sau: 

– Hoa lợi phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng là sản vật tự nhiên mà vợ, chồng có được từ tài sản riêng của mình.

– Lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng là khoản lợi mà vợ, chồng thu được từ việc khai thác tài sản riêng của mình.

“Hậu” chia tài sản chung khi ly hôn sẽ thế nào?

Luật hôn nhân và Gia đình 2014 quy định rõ về Hậu quả của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân tại Điều 40. 

Trong đó, khoản 1 thuộc Điều 40 nêu rõ trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng thì phần tài sản được chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác. Phần tài sản còn lại không chia vẫn là tài sản chung của vợ chồng.

Hướng dẫn thi hành điều 40 kể trên, Điều 14 thuộc Nghị định số 126/2014/NĐ-CP, đưa ra 3 nguyên tắc: 

– Việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân không làm chấm dứt chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định.

– Từ thời điểm việc chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực, nếu vợ chồng không có thỏa thuận khác thì phần tài sản được chia; hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đó; hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng khác của vợ, chồng là tài sản riêng của vợ, chồng.

– Từ thời điểm việc chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực, nếu tài sản có được từ việc khai thác tài sản riêng của vợ, chồng mà không xác định được đó là thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh của vợ, chồng hay là hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng đó thì thuộc sở hữu chung của vợ chồng.

(Blogluat.com)

 

Exit mobile version