Liên quan đến việc cấp dưỡng nuôi con, khoản 1 thuộc Điều 107, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, khẳng định nghĩa vụ cấp dưỡng là nghĩa vụ được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột với cháu ruột; giữa vợ và chồng. Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác.
Kế đến, Điều 110 thuộc Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, bắt buộc cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con
Như vậy, việc yêu cầu cấp dưỡng chỉ xảy ra giữa cha, mẹ và con trong hai trường hợp, gồm: cha mẹ không sống chung với con; sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.
Bên cạnh đó, cha mẹ phải cấp dưỡng cho con chưa thành niên hoặc con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi sống bản thân.
Khoản 2 thuộc Điều 82, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, cũng quy định chi tiết về nghĩa vụ và quyền của cha mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.
Theo đó, cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi; cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
Khoản 2 còn nêu rằng sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.
Đối chiếu những quy định nêu trên, chúng ta hiểu rằng chỉ cần cha mẹ không sống chung với con chưa thành niên hoặc con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình thì đều phải có nghĩa vụ cấp dưỡng.
Vì vậy, chỉ cần không sống cùng con thì cha mẹ đều phải thực hiện cấp dưỡng cho con ở các trường hợp trên, cho dù ly hôn hay ly thân.
Nếu không tự thỏa thuận về việc cấp dưỡng nuôi con thì hai người có thể yêu cầu tòa án can thiệp.
Hiểu đúng về ly thân Pháp luật về hôn nhân và gia đình ở nước ta đến thời điểm hiện tại chưa chính thức giải thích về khái niệm ly thân cũng như thủ tục, điều kiện ly thân. Ly thân là cách nói thông thường để nói về tình trạng quan hệ hôn nhân mâu thuẫn nhưng chưa tiến hành ly hôn của các cặp vợ chồng. Họ quyết định tách ra sống riêng, không còn xem nhau là vợ chồng và không thực hiện đời sống vợ chồng. Theo pháp luật về hôn nhân và gia đình hiện nay, vợ chồng vẫn phải đảm bảo các quyền và nghĩa vụ liên quan đến quan hệ giữa vợ và chồng khi ly thân. |
(Blogluat.com)