Liên quan đến vấn đề bạn đọc thắc mắc, chúng tôi cung cấp một số thông tin về những trường hợp cơ quan Nhà nước có thể từ chối tiếp nhận hồ sơ đề nghị đăng ký, cấp Giấy chứng nhận (sổ đỏ, sổ hồng); cách xử lý khi người dân bị từ chối hồ sơ cấp sổ đỏ theo từng trường hợp cụ thể.
6 trường hợp có thể bị từ chối tiếp nhận hồ sơ cấp sổ đỏ
Theo khoản 11, Điều 7, Thông tư 33/2017/TT-BTNMT Quy định chi tiết Nghị định số 01/2017/nđ-cp ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, việc từ chối hồ sơ đề nghị đăng ký, cấp Giấy chứng nhận (sổ đỏ, Sổ hồng) được thực hiện khi có một trong các căn cứ sau:
- Không thuộc thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ.
- Hồ sơ không có đủ thành phần để thực hiện thủ tục theo quy định.
- Nội dung kê khai của hồ sơ không đảm bảo tính đầy đủ, thống nhất và hợp lệ theo quy định của pháp luật.
- Thông tin trong hồ sơ không phù hợp với thông tin được lưu giữ tại cơ quan đăng ký hoặc có giấy tờ giả mạo.
- Khi nhận được văn bản của cơ quan thi hành án dân sự hoặc Văn phòng Thừa phát lại yêu cầu tạm dừng hoặc dừng việc cấp Giấy chứng nhận đối với tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất là đối tượng phải thi hành án theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự hoặc văn bản thông báo về việc kê biên tài sản thi hành án. Khi nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai về việc đã tiếp nhận đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai, tài sản gắn liền với đất.
- Không đủ điều kiện thực hiện quyền theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan.
Trường hợp có căn cứ từ chối hồ sơ theo quy định trên thì trong thời gian không quá 3 ngày làm việc (kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị đăng ký, cấp sổ đỏ), cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ phải có văn bản trong đó nêu rõ lý do từ chối và hướng dẫn người nộp hồ sơ thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, gửi văn bản kèm theo hồ sơ cho người nộp hoặc chuyển văn bản và hồ sơ đến bộ phận một cửa, UBND xã, phường, thị trấn để trả lại cho người nộp.
Những việc cần làm khi bị từ chối tiếp nhận hồ sơ cấp sổ đỏ
Đầu tiên, người nộp hồ sơ cấp sổ đỏ cần xem xét cơ quan Nhà nước từ chối cấp sổ đỏ đúng hay sai quy định pháp luật. Tùy vào trường hợp cụ thể mà đương sự có cách xử lý khác nhau.
1. Cơ quan Nhà nước từ chối tiếp nhận hồ sơ cấp sổ đỏ đúng quy định
Người dân cần xem và thực hiện theo đúng hướng dẫn, phương án xử lý trong văn bản từ chối hồ sơ cấp sổ đỏ.
Ví dụ, khi nhận văn bản từ cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai về việc đã tiếp nhận đơn đề nghị giải quyết tranh chấp thì người dân chỉ được nộp hồ sơ cấp sổ đỏ sau khi có kết quả giải quyết tranh chấp đất đai mà không tiếp tục gửi đơn giải quyết tranh chấp đến tòa án, UBND cấp huyện, cấp tỉnh.
2. Cơ quan Nhà nước từ chối tiếp nhận hồ sơ cấp sổ đỏ sai quy định
Khi cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ cấp sổ đỏ không có văn bản từ chối hồ sơ hoặc lý do từ chối không đúng quy định (từ chối hồ sơ nhưng không thuộc những trường hợp bài viết này đề cập) thì người dân có thể cân nhắc nhiều cách xử lý tùy tình hình thực tế.
Trong đó, khiếu nại và khởi kiện hành chính là những phương án phổ biến.
a) Khiếu nại
– Điều kiện thực hiện khiếu nại về việc từ chối hồ sơ đề nghị cấp sổ đỏ:
- Người khiếu nại tự mình thực hiện thì phải là người sử dụng đất chịu sự tác động trực tiếp bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính mà mình khiếu nại.
- Có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi từ chối trái pháp luật, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
- Người khiếu nại phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có người đại diện hợp pháp thực hiện khiếu nại trong trường hợp khiếu nại thông qua người đại diện.
- Việc khiếu nại chưa được toà án thụ lý để giải quyết.
- Còn thời hiệu, thời hạn khiếu nại hoặc đã hết thời hiệu, thời hạn mà có lý do chính đáng.
- khiếu nại chưa có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai (điều kiện này áp dụng với trường hợp đã có quyết định khiếu nại lần một nhưng không đồng ý).
– Đối tượng khiếu nại là quyết định, hành vi từ chối hồ sơ đề nghị đăng ký, cấp sổ đỏ
b) Khởi kiện
Nếu bị công chức xã, phường, thị trấn hoặc bộ phận một cửa cấp huyện hoặc Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện từ chối hồ sơ cấp sổ đỏ thì hộ gia đình, cá nhân có thể khởi kiện tại tòa án cấp huyện nơi có cơ quan đó theo Điều 31, Luật Tố tụng Hành chính năm 2015.
Điều 31. Thẩm quyền của tòa án cấp huyệnTòa án cấp huyện giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện sau đây: 1. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với tòa án hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước đó, trừ quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, chủ tịch UBND cấp huyện. 2. Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với tòa án đối với công chức thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức đó. 3. Khiếu kiện danh sách cử tri của cơ quan lập danh sách cử tri trên cùng phạm vi địa giới hành chính với tòa án. Trích Luật Tố tụng Hành chính 2015 |
Ngoài khiếu nại hoặc khởi kiện thì người dân cũng có thể kiến nghị cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ xem xét lại. Song, cách này không phổ biến bằng cách khiếu nại, khởi kiện.
(Nguồn tham khảo: Luật khiếu nại 2011 và Luật Đất đai 2013, Luật Tố tụng Hành chính 2015)