Mọi vấn đề liên quan đến phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc được đề cập trong Bộ Luật Lao động 2019 cùng Nghị định 145/2020/NĐ-CP Quy định chi tiết và Hướng dẫn thi hành một số nội dung về điều kiện lao động và quan hệ lao động theo Bộ Luật Lao động.
Theo đó, phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc là một nội dung bắt buộc trong nội quy lao động của doanh nghiệp.
Căn cứ Điều 118 thuộc Bộ Luật Lao động 2019 và Điều 69 thuộc Nghị định 145/2020/NĐ-CP, người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng quy định về phòng, chống quấy rối tình dục trong nội quy lao động hoặc bằng phụ lục ban hành kèm theo nội quy lao động, bao gồm các nội dung cơ bản sau:
- Nghiêm cấm hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
- Quy định chi tiết, cụ thể về các hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc phù hợp với tính chất, đặc điểm của công việc và nơi làm việc;
- Trách nhiệm, thời hạn, trình tự, thủ tục xử lý nội bộ đối với hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, bao gồm cả trách nhiệm, thời hạn, trình tự, thủ tục khiếu nại, tố cáo, giải quyết khiếu nại, tố cáo và các quy định có liên quan;
- Hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với người thực hiện hành vi quấy rối tình dục hoặc người tố cáo sai sự thật tương ứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm;
- Bồi thường thiệt hại cho nạn nhân và các biện pháp khắc phục hậu quả.
Các quy định của người sử dụng lao động về khiếu nại, tố cáo về quấy rối tình dục và xử lý đối với hành vi quấy rối tình dục phải đảm bảo các nguyên tắc: nhanh chóng, kịp thời; bảo vệ bí mật, danh dự, uy tín, nhân phẩm, an toàn cho nạn nhân bị quấy rối tình dục, người khiếu nại, tố cáo và người bị khiếu nại, bị tố cáo.
Pháp luật cũng quy định rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên liên quan như sau:
– Người sử dụng lao động có nghĩa vụ:
- Thực hiện và giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc cho người lao động.
- Khi xuất hiện khiếu nại, tố cáo về hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, người sử dụng lao động phải kịp thời ngăn chặn, xử lý và có biện pháp bảo vệ bí mật, danh dự, uy tín, nhân phẩm, an toàn cho nạn nhân bị quấy rối tình dục, người khiếu nại, tố cáo và người bị khiếu nại, bị tố cáo.
– Người lao động có nghĩa vụ:
- Thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
- Tham gia xây dựng môi trường làm việc không có quấy rối tình dục;
- Ngăn cản, tố cáo hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
– Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có trách nhiệm:
- Tham gia xây dựng, thực hiện, giám sát việc thực hiện các quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
- Cung cấp thông tin, tư vấn và đại diện cho người lao động bị quấy rối tình dục, người lao động đang bị khiếu nại, bị tố cáo có hành vi quấy rối tình dục;
- Tuyên truyền, phổ biến, tập huấn quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
Đáng nói, cơ quan pháp luật luôn khuyến khích người sử dụng lao động và tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở lựa chọn nội dung hữu ích liên quan đến vấn đề nói trên khi tiến hành thương lượng tập thể.
Quấy rối tình dục tại nơi làm việc bao gồm các hành vi sau:
Hành vi quấy rối tình dục có thể xảy ra dưới dạng trao đổi như đề nghị, yêu cầu, gợi ý, đe dọa, ép buộc đổi quan hệ tình dục lấy bất kỳ lợi ích nào liên quan đến công việc; hoặc những hành vi có tính chất tình dục không nhằm mục đích trao đổi, nhưng khiến môi trường làm việc trở nên khó chịu và bất an, gây tổn hại về thể chất, tinh thần, hiệu quả công việc và cuộc sống của người bị quấy rối. Trích Nghị định số 145/2020/NĐ-CP |
Ngoài ra, bạn đọc có thể tìm hiểu thêm nhiều thông tin pháp lý liên quan đến pháp luật lao động trên website của chúng tôi.
(Blogluat.com)