Nhằm giải đáp thắc mắc bạn đọc gửi về, chúng tôi đưa ra một số thông tin pháp lý liên quan đến vấn đề công khai danh tính người MUA DÂM trong bài viết dưới đây.
Điều 21, Hiến pháp 2013, khẳng định: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.
Pháp luật nước ta bảo vệ danh dự, uy tín, nhân phẩm của cá nhân thông qua Điều 34, Bộ Luật Dân sự 2015. Theo đó, danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
Điều 34. Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín: – Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. – Cá nhân có quyền yêu cầu tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình. – Việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể được thực hiện sau khi cá nhân chết theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc con thành niên; trường hợp không có những người này thì theo yêu cầu của cha, mẹ của người đã chết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác. – Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ. – Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng. – Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại. |
Hiện pháp luật nước ta chưa có quy định cho phép cá nhân, tổ chức có quyền công khai danh tính người MUA DÂM cũng như người bán dâm.
Cùng đó, pháp luật không xử lý hình sự mà chỉ xử phạt vi phạm hành chính hành vi MUA DÂM cũng như bán dâm, trừ các trường hợp: MUA DÂM người dưới 18 tuổi; người MUA DÂM, bán dâm cố tình lây nhiễm HIV cho người khác.
Trong khi, Điều 72, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, quy định công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính thuộc trường hợp vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dược; khám bệnh, chữa bệnh; lao động; xây dựng; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo vệ môi trường; thuế; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; đo lường; sản xuất, buôn bán hàng giả mà gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội thì cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm công bố công khai về việc xử phạt.
Từ điều luật trên, chúng ta thấy rằng luật chưa đề cập đến vấn đề công bố công bố công khai hành vi MUA DÂM hay bán dâm. Vì thế, cơ quan công an cũng như báo chí, tổ chức hoặc cá nhân khác không có quyền công khai quyết định xử phạt và thông tin cá nhân của những người MUA DÂM, bán dâm.
Điều 72. Công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính 1. Trường hợp vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dược; khám bệnh, chữa bệnh; lao động; xây dựng; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo vệ môi trường; thuế; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; đo lường; sản xuất, buôn bán hàng giả mà gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội thì cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm công bố công khai về việc xử phạt. 2. Nội dung công bố công khai bao gồm cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính, hành vi vi phạm, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả. 3. Việc công bố công khai được thực hiện trên trang thông tin điện tử hoặc báo của cơ quan quản lý cấp bộ, cấp sở hoặc của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra vi phạm hành chính. |
Bên cạnh đó, Nghị định số 119/2020/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP) nêu rõ cơ quan chức năng có quyền xử phạt hành vi tiết lộ bí mật đời tư cá nhân nhưng không được sự đồng ý của cá nhân đó. Mức phạt chi tiết quy định tại điểm i thuộc khoản 3, Điều 8 nghị định này.
Điều 8. Vi phạm quy định về đăng, phát nội dung thông tin trên báo chí, bản tin, đặc san 3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: i) Tiết lộ bí mật đời tư của cá nhân nhưng không được sự đồng ý của cá nhân đó; |
Việc xử phạt vi phạm hành chính người MUA DÂM, bán dâm phải tuân thủ Nghị định 144/2021/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình; với mức phạt tiền từ 300.000 đồng đến 5 triệu đồng.
Bạn đọc có thể tham khảo nhiều thông tin pháp lý liên quan đến vấn đề mại dâm, như: môi giới mại dâm, MUA DÂM, bán dâm, chứa chấp mại dâm… trên website của chúng tôi.
(Nhung Nguyễn)