Site icon Blogluat.com

Thế nào là pháp nhân phi thương mại theo luật mới nhất năm 2024?

pháp nhân phi thương mại

1. Khái niệm pháp nhân phi thương mại

Pháp luật dân sự nước ta có phân rõ pháp nhân thương mại với pháp nhân phi thương mại.

Tương tự pháp nhân thương mại, trước khi trở thành pháp nhân phi thương mại thì mỗi tổ chức cần đảm bảo điều kiện là một pháp nhân, gồm:

– Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan;

– Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ Luật Dân sự năm 2015;

– Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;

– Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Khái niệm pháp nhân phi thương mại được đề cập cụ thể tại Điều 76, Bộ Luật Dân sự năm 2015.

Theo đó, pháp nhân phi thương mại là pháp nhân không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận, nếu có lợi nhuận thì cũng không chia cho các thành viên.

Pháp nhân phi thương mại bao gồm các cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, doanh nghiệp xã hội và các tổ chức phi thương mại khác.

Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân phi thương mại  được thực hiện theo quy định của Bộ Luật Dân sự, các luật về tổ chức bộ máy nhà nước và theo quy định khác của pháp luật liên quan.

2. Các loại pháp nhân phi thương mại

a) Cơ quan Nhà nước

Cơ quan nhà nước là bộ phận cấu thành bộ máy Nhà nước, gồm một tập thể người hay một người thay mặt Nhà nước đảm nhiệm một công việc hoặc tham gia thực hiện một chức năng của Nhà nước bằng các hình thức và phương pháp hoạt động nhất định.

Hiến pháp 2013 quy định về các loại cơ quan nhà nước như sau:

– Các cơ quan quyền lực Nhà nước: Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương.

– Các cơ quan hành chính Nhà nước: Chính phủ, các Bộ và cơ quan ngang Bộ, cơ quan chức năng quản lý Nhà nước thuộc Chính phủ; UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND.

– Cơ quan xét xử: TAND Tối cao, tòa án quân sự, TAND địa phương, tòa án đặc biệt và các tòa án khác do luật định.

– Các cơ quan viện kiểm sát: VKSND tối cao, viện kiểm sát quân sự, viện kiểm sát địa phương

– Chủ tịch nước: Đây là một chức vụ Nhà nước, một cơ quan đặc biệt thể hiện sự thống nhất quyền lực nhà nước với các hoạt động thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp nên không được xếp vào loại cơ quan nào.

b) Đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân

Lực lượng vũ trang nhân dân gồm: Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Dân quân tự vệ; trong đó:

– Quân đội nhân dân có: lục quân, hải quân, không quân, biên phòng, cảnh sát biển do Bộ Quốc phòng quản lý, chịu sự điều động của Bộ Tổng tham mưu.

– Công an nhân dân có: an ninh và cảnh sát, chịu sự quản lý của Bộ Công an.

– Dân quân tự vệ là lực lượng quản lý hỗn hợp của Bộ Quốc phòng và cơ quan hành chính địa phương.

c) Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp

– Tổ chức chính trị: là tổ chức mà thành viên cùng hoạt động với nhau vì khuynh hướng chính trị nhất định, thành viên của tổ chức này là đại diện của một giai cấp hay một lực lượng xã hội, nhiệm vụ chủ yếu là giành và giữ chính quyền.

– Tổ chức chính trị – xã hội: là một tổ chức mang màu sắc chính trị với vai trò là đại diện của tầng lớp xã hội đối với hoạt động của Nhà nước; cũng như đóng vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị, cơ sở của chính quyền nhân dân.

Việt Nam hiện có các tổ chức chính trị – xã hội: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công Đoàn, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

– Tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp: là tổ chức hình thành theo các quy định của nhà nước và được quản lý chặt chẽ bởi cơ quan nhà nước, hỗ trợ nhà nước giải quyết một số vấn đề xã hội, hoạt động tự quản, cơ cấu do nội bộ tổ chức quyết định, hoạt động không mang tính quyền lực chính trị hoàn toàn tự nguyện

– Tổ chức xã hội: tổ chức xã hội là những bộ phận cấu thành của hệ thống chính trị được hình thành trên nguyên tắc tự nguyện, tự quản của người lao động.

– Tổ chức xã hội – nghề nghiệp: là tổ chức được sáng lập theo sáng kiến của tổ chức, cá nhân khác nhau.

Hoạt động của các tổ chức xã hội – nghề nghiệp đặt dưới sự quản lý của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, đây cũng là tổ chức hoạt động mang tính chất tự quản với cơ cấu tổ chức nội bộ do tổ chức đó tự nguyện thống nhất.

d) Quỹ xã hội

Là quỹ được tổ chức, hoạt động với mục đích chính nhằm hỗ trợ và khuyến khích phát triển văn hoá, giáo dục, y tế, thể dục thể thao, khoa học và các mục đích phát triển cộng đồng, không vì mục đích lợi nhuận.

đ) Quỹ từ thiện

Là quỹ được tổ chức, hoạt động với mục đích nhằm hỗ trợ khắc phục những khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, sự cố… không vì mục đích lợi nhuận.

e) Doanh nghiệp xã hội

Là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật với mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường vì cộng đồng.

Doanh nghiệp xã hội phải sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường.

Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm nhiều thông tin pháp lý liên quan đến pháp nhân phi thương mại cũng như pháp nhân thương mại trên website của chúng tôi.

(Blogluat.com)

Exit mobile version