Site icon Blogluat.com

Quyền nuôi con sau ly hôn và hình phạt mới nhất năm 2024 đối với người vi phạm

quyền nuôi con

Bài viết cung cấp những thông tin pháp lý cần thiết liên quan đến quyền nuôi con sau ly hôn, biện pháp xử lý cá nhân vi phạm.

Nếu từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 05 – 10 triệu đồng. 

Mức phạt tiền này được đề cập tại Điều 57, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP (Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình). 

Điều 57 thuộc Nghị định số 144/2021/NĐ-CP đưa ra mức xử phạt vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng: 

– Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với một trong những hành vi:

+ Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn; từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ nuôi dưỡng giữa anh, chị, em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu theo quy định của pháp luật;

+ Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng cha, mẹ; nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật.

– Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc thực hiện nghĩa vụ đóng góp, nuôi dưỡng theo quy định đối với các hành vi sai phạm. 

Bên cạnh đó, khi có quyết định, bản án từ tòa án yêu cầu cha hoặc mẹ phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con nhưng người này không thực hiện dù có đủ điều kiện. Cùng đó, cơ quan chức năng đã áp dụng biện pháp cưỡng chế mà người này vẫn không tuân thủ thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau ly hôn. 

Với trường hợp nêu trên, pháp luật có hình phạt tối đa 5 năm tù giam theo Điều 380, Bộ Luật Hình sự 2015.

Quy định về tội Không chấp hành án, điều luật nói trên khẳng định người nào có điều kiện mà không chấp hành bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật, mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Ngoài ra, người có hành vi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

– Chống lại chấp hành viên hoặc người đang thi hành công vụ;

– Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

– Tẩu tán tài sản.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng.

Nếu việc trốn tránh hoặc từ chối nghĩa vụ cấp dưỡng của cha hoặc mẹ khiến người con lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe tổn hại thì cha hoặc hoặc mẹ có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 02 năm, hoặc phạt tù từ 03 tháng – 02 năm. 

Điều 186, Bộ Luật Hình sự 2015 quy định tội Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nêu rõ: người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng.

Đồng thời, người này làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại điều này mà còn vi phạm.

Nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 380 của Bộ Luật này, thì cá nhân có những hành vi như trên bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Bạn đọc có thể thể tham khảo nhiều bài viết về cách giành quyền nuôi con sau ly hôn; thủ tục giành quyền nuôi con sau ly hôn, thay đổi quyền nuôi con sau ly hôn; hay tải miễn phí các mẫu đơn liên quan đến việc giành quyền nuôi con tại website của chúng tôi. 

(Blogluat.com)

Exit mobile version