CategoriesSự Kiện Xã HộiPháp Luật

Phạt 7,5 triệu đồng vì phát tán video đồi trụy của trẻ vị thanh niên: Liệu đã đúng và đủ?

Theo thông tin do Báo Thanh niên đăng tải, Công an Huyện Yên Dũng, Tỉnh Bắc Giang vừa ban hành quyết định xử phạt hành chính với số tiền 7,5 triệu đồng đối với chủ tài khoản Facebook “Cô Chủ Nhỏ. Tracky” về hành vi phát tán video đồi trụy. Cụ thể, vào ngày 16/08/2021, chủ tài khoản này đã chia sẻ công khai, đồng thời phát tán đường dẫn video hai trẻ vị thành niên quan hệ tình dục qua tin nhắn Facebook. Sự việc này dẫn đến quyết định khóa hàng loạt tài khoản của Facebook ngay trong đêm cùng ngày.

Mặc dù nội dung của quyết định xử phạt hành chính nói trên không được chia sẻ, tuy nhiên dựa trên giá trị số tiền phạt, có thể hiểu rằng Công an Huyện Yên Dũng đã áp dụng quy định tại Khoản 3, Điều 4; và Điểm b, Khoản 1, Điều 101 của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ. Theo đó, cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc.

Phạt 7,5 triệu đồng vì phát tán video nhạy cảm: Liệu đủ răn đe?

Phạt 7,5 triệu đồng vì phát tán video nhạy cảm: Liệu đủ răn đe?

Nhưng, liệu quyết định xử phạt hành chính này đã đúng và đủ?

Như trình bày ở trên, khung phạt tiền đối với cá nhân có hành vi lợi dụng mạng xã hội để chia sẽ thông tin đồi trụy là 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Việc xác định mức phạt 7,5 triệu đồng được thực hiện trên cơ sở quy định của Khoản 4, Điều 23 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Theo đó, “mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó“. Tuy nhiên, quy định này cũng xác định rằng nếu hành vi vi phạm có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống, nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên.

Trong khi đó, theo quy định tại Điểm m, Khoản 1, Điều 10 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì hành vi vi phạm hành chính đối với trẻ em là một trong các tình tiết tăng nặng. Như vậy, có thể nói quyết định xử phạt hành chính của Công an Huyện Yên Dũng đã chưa xem xét đến tình tiết tăng nặng khi xác định mức tiền phạt trong trường hợp này.

Liên quan đến vấn đề này, cần lưu ý rằng trẻ em là đối tượng đặc biệt được pháp luật ưu tiên bảo vệ. Điều này đã được pháp điển hóa thành Luật Trẻ em năm 2016 (sửa đổi năm 2018). Cụ thể, theo các quy định tại Điều 1; Khoản 8, Điều 4; và Khoản 3, Điều 6 của Luật Trẻ em, hành vi xâm hại tình dục trẻ em dưới 16 tuổi (trong đó bao gồm việc sử dụng trẻ em vào mục đích khiêu dâm dưới mọi hình thức) là hành vi bị nghiêm cấm.

Một cách tương ứng, theo quy định tại điểm đ và e, Khoản 2, Điều 326 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017), thì người có hành vi truyền bá vật phẩm đồi trụy đối với người dưới 18 tuổi sẽ bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.

Như vậy, trong trường hợp chủ tài khoản Facebook “Cô Chủ Nhỏ. Tracky” phát tán rộng rãi video hai trẻ vị thành niên quan hệ tình dục, quyết định xử phạt hành chính với số tiền 7,5 triệu là không đầy đủ nếu đánh giá trong chừng mực biện pháp xử lý hành chính, và hơn nữa là chưa đúng theo quy định của pháp luật Việt Nam, vốn dĩ phải xem xét đến yếu tố vi phạm pháp luật hình sự.

Trên thực tế, dường như hành vi phát tán video đồi trụy trên mạng xã hội chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của cơ quan điều tra nói riêng, cũng như hệ thống tư pháp Việt Nam nói chung. Điều này phải chăng xuất phát từ hội chứng victim-blaming (đổ lỗi cho nạn nhân), khi nạn nhân của một tội ác bị quy trách nhiệm (toàn bộ hoặc một phần) thay vì thủ phạm, dẫn đến mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội bị xem nhẹ?

Dù thế nào đi nữa thì tình huống của chủ tài khoản Facebook “Cô Chủ Nhỏ. Tracky” đã tiến xa thêm một bước, khi đối tượng bị xâm phạm là trẻ em. Mức phạt tiền 7,5 triệu đồng là hoàn toàn không có tính răn đe, đặc biệt khi lợi ích mà hành vi truyền bá video nhạy cảm đạt được có thể lớn hơn gấp nhiều lần, trong khi hậu quả mà hành vi đó để lại cho nạn nhân nói riêng, và xã hội nói chung là không thể lường được.

Hãy cùng nhìn sang một vài quốc gia khác để xem cách thức xử lý những vụ việc tương tự. Theo một thống kê của Ủy ban Tuyên án Hoa Kỳ (United States Sentencing Commission), trong năm 2020, đã có 1.023 vụ án truyền bá nội dung đồi trụy liên quan đến trẻ em được xét xử, mà 99,3% đối tượng vi phạm đã bị kết án với thời gian phạt tù trung bình là 102 tháng. Hay vào đầu năm nay, Evelyn Ajie, một người phụ nữ Ireland đã bị tuyên án tù 9 tháng vì cố ý truyền bá nội dung đồi trụy liên quan đến trẻ em vào năm 2019.

Nói tóm lại, trong bối cảnh hành động tuyên truyền nội dung đồi trụy qua mạng xã hội đang có xu hướng tăng cao trong thời gian gần đây, và nay một giới hạn đạo đức mới đang có nguy cơ bị xâm phạm, cơ quan chức năng nên có hướng tiếp cận khắt khe hơn trong hoạt động xử lý để tăng cường mục đích răn đe, đảm bảo mục tiên phòng ngừa hành vi vi phạm tương tự.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tính năng chống sao chép đang bật. Vui lòng liên hệ người viết nếu có nhu cầu trích dẫn nội dung bài viết. Cảm ơn bạn.