Site icon Blogluat.com

Phạm pháp trên thị trường chứng khoán năm 2024, có thể bị phạt tiền hàng tỷ đồng

thị trường chứng khoán

Cơ quan pháp luật sẽ xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức có hành vi sai phạm trong lĩnh vực chứng khoán cũng như thị trường chứng khoán căn cứ Nghị định số 156/2020/NĐ-CP (Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán).

Chính thức có hiệu lực từ năm 2021, nghị định này quy định rõ nhiều hành vi sai phạm liên quan đến lĩnh vực chứng khoán, thị trường chứng khoán có thể chịu mức phạt tiền lên đến hàng tỷ đồng.

Đơn cử, khoản 5 thuộc Điều 18, Nghị định 156/2020/NĐ-CP, quy định phạt tiền từ 2,5 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng đối với những hành vi liên quan đến thị trường chứng khoán, như sau:

– Làm giả giấy tờ, xác nhận trên giấy tờ giả mạo chứng minh đủ điều kiện niêm yết chứng khoán trong hồ sơ đăng ký niêm yết chứng khoán;
– Làm giả, xác nhận trên giấy tờ giả mạo trong hồ sơ đăng ký giao dịch chứng khoán.

Đối với hành vi lập, xác nhận hồ sơ đăng ký niêm yết chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch chứng khoán có thông tin sai lệch, sai sự thật hoặc che giấu sự thật, Nghị định 156/2020/NĐ-CP cho phép cơ quan chức năng xử phạt tổ chức sai phạm với mức phạt tiền từ 400 triệu đồng đến 500 triệu đồng.

Mức phạt tiền theo quy định nêu trên được áp dụng đối với tổ chức.

Cá nhân có cùng hành vi sai phạm sẽ chịu mức phạt tiền bằng một nửa mức phạt tiền đối với tổ chức.

Nghị định số 128/2021/NĐ-CP (Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán) chính thức có hiệu lực thi hành từ năm 2022, bổ sung nhiều quy định về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, thị trường chứng khoán.

Chi tiết như sau:

– Phạt tiền từ 100 – 150 triệu đồng đối với hành vi không chuyển số tiền thu được từ đợt phát hành thêm vào tài khoản phong tỏa tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán trước khi Ủy ban chứng khoán Nhà nước có thông báo bằng văn bản về việc nhận được báo cáo kết quả đợt phát hành.
– Phạt tiền từ 30 – 50 triệu đồng đối với công ty đại chúng thực hiện thông báo thay đổi tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa không đúng thời gian quy định tại Điều 141 thuộc Nghị định 155/2020/NĐ-CP.
– Phạt tiền từ 50 – 70 triệu đồng đối với công ty đại chúng không thực hiện thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa hoặc về thay đổi tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa.
– Phạt tiền từ 50 – 70 triệu đồng đối với hành vi thực hiện bán cổ phiếu quỹ trước thời gian quy định; không hoàn thành việc bán cổ phiếu quỹ trong thời hạn quy định.
– Phạt tiền từ 70 – 100 triệu đồng đối với hành vi bán cổ phiếu quỹ mà không báo cáo Ủy ban chứng khoán Nhà nước hoặc không đúng với phương án đã báo cáo Ủy ban chứng khoán Nhà nước hoặc nội dung đã công bố thông tin ra công chúng.
– Phạt tiền từ 100 – 200 triệu đồng đối với hành vi báo cáo có nội dung sai lệch hoặc sai sự thật.

Điều 141. Trách nhiệm thông báo về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của công ty đại chúng

1. Công ty đại chúng có trách nhiệm xác định ngành, nghề đầu tư kinh doanh và thực hiện thủ tục thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày Ủy ban chứng khoán Nhà nước xác nhận hoàn tất việc đăng ký công ty đại chúng.

2. Công ty đại chúng có trách nhiệm xác định ngành, nghề đầu tư kinh doanh và tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại công ty theo quy định tại khoản 1 Điều 139 Nghị định này.

3. Trường hợp công ty đại chúng chưa thực hiện thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa theo quy định tại Điều 142 Nghị định này, công ty phải thực hiện thủ tục thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa trước khi nộp hồ sơ đăng ký niêm yết, chuyển niêm yết, đăng ký giao dịch, chào bán, phát hành chứng khoán, cổ đông công ty đại chúng chào bán cổ phiếu ra công chúng.

4. Công ty đại chúng phải thực hiện thủ tục thông báo thay đổi tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày xảy ra một trong các sự kiện sau:

a) Thay đổi ngành, nghề đầu tư kinh doanh dẫn đến thay đổi tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại công ty;

b) Quy định pháp luật về sở hữu nước ngoài đối với các ngành, nghề đầu tư kinh doanh công ty đang hoạt động có sự thay đổi;

c) Điều lệ công ty có quy định thay đổi tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa.

Trích Nghị định 155/2020/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán

(Blogluat.com)

Exit mobile version