Phá sản cá nhân theo pháp luật Hoa Kỳ
CategoriesPháp Luật

Phá sản cá nhân theo pháp luật Hoa Kỳ (Phần 1): Lịch sử và Tổng quan

Như đã nêu trong bài viết trước về tính cấp thiết của cơ chế phá sản cá nhân, thị trường tín dụng Việt Nam, đặc biệt là khu vực tín dụng tiêu dùng, đang trên đà tăng trưởng vượt bậc trong những năm vừa qua. Trong khi đó ở chiều ngược lại, pháp luật Việt Nam vẫn chưa có một cơ chế phù hợp nhằm hỗ trợ cho bên đi vay, trong trường hợp bất khả kháng, rơi vào tình trạng khốn cùng về tài chính.

Để tìm hiểu về pháp luật thế giới liên quan đến phá sản cá nhân, hãy cùng nhìn sang Mỹ, nơi có thể nói là một trong những đối tượng nghiên cứu về pháp luật phá sản cá nhân tốt nhất hiện nay, cả trên góc độ quy phạm pháp luật và thực tiễn áp dụng.

LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN CỦA PHÁ SẢN CÁ NHÂN TẠI HOA KỲ

Sự khởi đầu của luật phá sản ở Mỹ không hề dễ dàng. Đạo luật phá sản đầu tiên được thông qua vào năm 1800, nó chỉ kéo dài trong ba năm và bị bãi bỏ vào năm 1803. Những đạo luật kế tiếp được thông qua vào năm 1841 và 1867, cũng chịu chung số phận khi bị bãi bỏ sau một khoảng thời gian ngắn.

Tuổi thọ ngắn ngủi của những đạo luật phá sản thời kỳ đầu được cho là xuất phát từ các nguyên nhân sau (1):
– Trong khoảng thời gian từ thế kỷ 17 – 18, nhu cầu về luật phá sản không thường xuyên do nền kinh tế Hoa Kỳ thời kỳ này biến động dữ dội giữa sự suy thoái và bùng nổ.
– Chia rẽ chính trị giữa các đảng ủng hộ chủ nợ và ủng hộ con nợ trong Quốc hội Hoa Kỳ.
– Thủ tục nộp đơn phá sản theo các đạo luật này rất phức tạp, vì nó chỉ được thực hiện tại một số tòa án liên bang trên toàn quốc với một thủ tục hành chính tốn kém.

Mặc dù vậy, những điều khoản đầu tiên liên quan đến phá sản cá nhân đã được đưa ra trong Đạo luật Phá sản năm 1841, khởi nguồn cho khái niệm về những cá nhân “trung thực nhưng không may mắn” trong hàng trăm năm tiếp theo của luật phá sản cá nhân của Hoa Kỳ.

Luật phá sản cá nhân hiện đại của Hoa Kỳ được xem là ra đời vào năm 1978, với tên gọi Đạo luật Phá sản Cải cách, sau đó được bổ sung vào năm 1994 và trải qua một đợt thay đổi lớn theo hướng siết chặt hơn vào năm 2005.

Đạo luật năm 1978 từng được xem là luật phá sản cá nhân rộng rãi nhất trên thế giới, với triết lý cơ bản rằng nếu việc tiếp cận thị trường tín dụng không bị hạn chế, thì phá sản cá nhân (như một lối thoát khỏi thị trường tín dụng), cũng phải tồn tại. Và, với mong muốn sử dụng phá sản cá nhân như một công cụ phân bổ rủi ro giữa các bên tham gia vào thị trường tín dụng, luật phá sản cá nhân của Mỹ đã được soạn thảo với ý định phân bổ  rủi ro phát sinh từ thị trường tín dụng tiêu dùng cho các chủ nợ, những người dường như ở vị thế tốt hơn để chịu những rủi ro đó.

Phá sản cá nhân theo pháp luật Hoa Kỳ

Theo dữ liệu từ Văn phòng Hành chính của Tòa án Hoa Kỳ, tỷ lệ khai hồ sơ phá sản cá nhân vào đầu thế kỷ 20 chỉ ở tỷ lệ 0,15 trên 1.000 người, bắt đầu tăng từ năm 1960 và tăng đáng kể từ năm 1980. Tính đến năm 2004, tỷ lệ khai hồ sơ phá sản là 5,3 trên 1.000 người, gấp 4 lần so với tỷ lệ của năm 1980 và gấp 35 lần so với tỷ lệ của năm 1900.

TỔNG QUAN PHÁP LUẬT PHÁ SẢN CÁ NHÂN TẠI HOA KỲ

Theo Đạo luật Phá sản Hoa Kỳ hiện hành, một cá nhân có thể lựa chọn một trong hai hình thức phá sản chính là “phá sản thanh lý” theo Chương 7 hoặc “phá sản trả góp” theo Chương 13.

Theo số liệu của Viện Phá sản Hoa Kỳ, kể từ năm 1994- năm sửa đổi Đạo luật Phá sản Cải cách 1978 theo hướng đẩy nhanh các thủ tục khai phá sản và mở rộng phạm vi tài sản của con nợ được miễn trừ, số vụ phá sản cá nhân được nộp theo Chương 7 luôn nhiều hơn gấp 2 lần so Chương 13. Cho đến nay, số lượng đơn khai phá sản và tỷ trọng giữa số đơn khai theo mỗi chương có thay đổi tại một số thời điểm tùy theo diễn biến kinh tế Hoa Kỳ, nhưng nhìn chung hồ sơ khai phá sản theo Chương 7 và Chương 13 vẫn giữ nguyên tỷ lệ tương tự.

Chương 7, có tên là Thanh lý, quy định một thủ tục được giám sát bởi tòa án, qua đó một trustee (người được ủy thác, hay “quản tài viên” theo định nghĩa về một người có chức năng tương đương tại pháp luật phá sản Việt Nam) sẽ tiếp quản, chuyển hóa tài sản của con nợ thành tiền mặt và phân phối cho các chủ nợ, ngoại trừ một số tài sản miễn trừ mà con nợ được giữ lại và tài sản thế chấp cho các khoản nợ có bảo đảm. Khi hồ sơ phá sản được khai theo Chương 7, hầu hết các khoản nợ không có bảo đảm sẽ được giải quyết.  Người được ủy thác sẽ cố gắng hết sức để thanh lý tài sản với mục tiêu trả nợ càng nhiều càng tốt.

Chương 13, có tên là Điều chỉnh nợ của Cá nhân có Thu nhập Thường xuyên. Như tên gọi, Chương 13 dành cho một cá nhân mắc nợ có nguồn thu nhập thường xuyên, theo đó con nợ được duy trì tài sản có giá trị và được đề xuất kế hoạch trả nợ cho các chủ nợ trong một khoảng thời gian nhất định – thường là từ 3 đến 5 năm. Khi hồ sơ phá sản được khai theo Chương 13, con nợ sẽ vẫn sở hữu tài sản của mình và thanh toán thông qua người được ủy thác cho các chủ nợ dựa trên thu nhập dự kiến ​​của con nợ trong suốt thời gian của kế hoạch. Không giống như Chương 7, con nợ phải hoàn thành các khoản thanh toán cần thiết theo kế hoạch trước khi sự miễn trừ phá sản được chấp nhận.

Mặc dù có sự khác nhau về nguyên tắc và quy trình xử lý nợ, đích đến cuối cùng của cả hai Chương đều là một sự miễn trừ phá sản. Sự miễn trừ phá sản sẽ giải phóng con nợ khỏi trách nhiệm cá nhân đối với một số loại nợ cụ thể. Nói cách khác, về mặt pháp lý, con nợ không còn phải trả bất kỳ khoản nợ nào đã được xóa. Sự miễn trừ phá sản cũng sẽ là một lệnh có hiệu lực vĩnh viễn nghiêm cấm chủ nợ thực hiện bất kỳ hình thức đòi nợ nào đối với các khoản nợ đã giải quyết, bao gồm việc thực hiện các hành động pháp lý hay liên lạc với con nợ, chẳng hạn như các cuộc gọi điện thoại, thư từ và liên lạc cá nhân.

(Còn tiếp)

(1) Thomas A. Garrett, 2007. The Rise in Personal Bankruptcies: The Eighth Federal Reserve District and Beyond.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tính năng chống sao chép đang bật. Vui lòng liên hệ người viết nếu có nhu cầu trích dẫn nội dung bài viết. Cảm ơn bạn.