Phá sản cá nhân là chủ đề chưa nhận được nhiều sự quan tâm, không chỉ từ cơ quan lập pháp, mà còn từ các bên liên quan trong hệ thống tín dụng Việt Nam. Đôi lúc đã có những đề xuất, những lo ngại về quyền được phá sản của cá nhân, nhưng câu chuyện thường kết thúc bằng những trông đợi vào tương lai. Nay, khi đại dịch Covid-19 đã góp phần bộc lộ những điểm yếu trong nền kinh tế, và mức độ dễ tổn thương của người lao động, những cá nhân đi vay với sự lựa chọn hạn chế về biện pháp trả nợ, liệu phá sản cá nhân có nên được xem xét lại một cách nghiêm túc hơn?
Theo số liệu thống kê từ Cục Việt làm, từ đầu năm đến tháng 07/2021, đã có 79,7 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường, và tương ứng là 1,2 triệu lao động mất việc làm chỉ riêng trong quý II/2021. Con số này nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng cao trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo theo nhiều biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn được áp dụng bởi chính quyền địa phương. Hệ quả không thể tránh khỏi là những khó khăn tài chính mà người lao động thất nghiệp phải đối mặt. Và nếu môi trường việc làm không thể cải thiện trong thời gian gần cũng như thiếu vắng những chính sách, biện pháp hỗ trợ phù hợp, những khó khăn tài chính đó hoàn toàn có thể dẫn đến tình trạng nặng nề hơn như mất khả năng thanh toán hoặc vỡ nợ.
VÌ SAO CẦN PHÁ SẢN CÁ NHÂN
Thị trường tín dụng Việt Nam, đặc biệt là khu vực tín dụng tiêu dùng, đang trên đà tăng trưởng trong những năm vừa qua. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật hiện tại của Việt Nam, phá sản cá nhân vẫn chưa được thừa nhận. Xuất phát từ sự thiếu vắng một hành lang pháp lý cho phá sản cá nhân, xét về phương diện kinh tế, một cá nhân không thể thoát khỏi thị trường tín dụng trong trường hợp họ không may bị vỡ nợ. Nhà làm luật Việt Nam đã từng đề cập đến phá sản cá nhân trong quá trình soạn thảo Luật Phá sản 2014, nhưng cuối cùng kết luận rằng việc cho phép cá nhân và hộ kinh doanh cá thể được tuyên bố phá sản là không cấp thiết.
Như vậy theo pháp luật hiện hành, một cá nhân phải chịu trách nhiệm vô hạn về khoản nợ của mình. Điều này có nghĩa là khi cá nhân nhận nợ một khoản tiền, trách nhiệm hoàn trả của họ sẽ kéo dài cho đến khi số tiền đó, cùng với mọi khoản lãi phát sinh, được trả hết; hoặc đến khi người đó qua đời (ấy là chưa nói đến khoản nợ có thể tiếp tục được chuyển giao thông qua thủ tục thừa kế).
Không thể phủ nhận rằng quy tắc ứng xử như vậy nhìn chung là công bằng cho những ai quyết định tham gia vào cuộc chơi tín dụng. Nhưng với cơ chế xử lý nợ như vậy, sẽ không có “dấu chấm hết” mang yếu tố nhân đạo và hợp lý khi con nợ chẳng may không còn khả năng thanh toán, trừ khi nó được thanh toán đầy đủ (một cách đầy mâu thuẫn) hoặc thương lượng. Mà nói đến thương lượng, đó là câu chuyện giữa một bên là con nợ với vị thế đàm phán thấp hơn ngay khi mối quan hệ tín dụng vừa chớm nở, và bên kia là chủ nợ, người có lợi ích hoàn toàn đối nghịch.
Cũng đừng ngây thơ cho rằng có thể đánh đổi tài sản thế chấp để chấm dứt một quan hệ tín dụng ngay lập tức. Đa phần các hợp đồng tín dụng chỉ xem việc xử lý tài sản đảm bảo như một trong các công cụ để thu hồi nợ. Nếu việc xử lý tài sản đảm bảo không mang lại kết quả như mong muốn, nghĩa vụ trả nợ của con nợ vẫn sẽ còn đó. Và một khi toàn bộ thị trường rơi vào trạng thái khủng hoảng, như đại dịch Covid-19 chẳng hạn, con nợ sẽ càng dễ dàng bị tổn thương hơn cả.
Thứ nhất, về áp lực trả nợ. Đương nhiên sẽ luôn có áp lực trong quá trình trả nợ, thứ tạo nên động lực cho nền kinh tế, và được định nghĩa một cách tích cực với cái tên đòn bẩy tài chính. Nhưng một thứ áp lực khác, nặng nề và bế tắc hơn, sẽ nảy sinh khi con nợ mất khả năng thanh toán một cách không lường trước được (ví dụ như do bệnh tật, tai nạn, sự sụp đổ của thị trường, v.v…). Trong những trường hợp như vậy, rất có thể người vỡ nợ sẽ có những phản ứng tiêu cực, chẳng hạn như thực hiện hành vi phạm tội để đáp ứng nhu cầu tài chính, hoặc tự sát.
Có thể kể đến một số trường hợp nông dân ở Gia Lai tự tử khi hồ tiêu chết hàng loạt, giá tiêu giảm đáng kể; hai vợ chồng tự tử bằng thuốc nổ ở Nghệ An vì nợ 5 tỷ đồng; hay người bán ô tô cũ ở Bắc Giang cướp ngân hàng trả nợ 400 triệu đồng. Nếu những con nợ này và những trường hợp tương tự có một kế hoạch trả nợ dễ chấp nhận hơn và ít căng thẳng hơn, liệu họ có lựa chọn tiêu cực hay dành công sức để bắt đầu lại cuộc sống của mình?
Thứ hai, về cách thức đòi nợ. Khi một người mất khả năng thanh toán, phản ứng thông thường của họ rất có thể là tìm kiếm một khoản vay khác để bù đắp các khoản vay hiện có. Điều này làm cho các khoản nợ dần trở nên phân tán và phức tạp. Về phần chủ nợ, do không biết chính xác con nợ có trả được nợ hay không và khi nào trả được nợ, sẽ làm mọi cách để đẩy nhanh việc thu nợ. Mọi chuyện thậm chí có thể trở nên tồi tệ hơn khi các chủ nợ biết được sự tồn tại của nhau.
Bên cạnh đó, hoạt động vay tiêu dùng, vay tín chấp tại Việt Nam ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng. Những khoản nợ không có tài sản đảm bảo, sẽ được các công ty tài chính nỗ lực thu hồi bằng nhiều phương thức “táo bạo”, bao gồm cả những biện pháp đe dọa, quấy rối. Nó góp phần tạo nên một mớ hỗn độn của các hoạt động đòi nợ, đẩy áp lực của hệ thống lên một mức độ nghiêm trọng hơn.
Và nhân tiện nói đến hệ thống, các chủ nợ có xung đột lợi ích với con nợ, và có cả xung đột lợi ích với nhau, đặc biệt là khi con nợ dường như đã hoặc đang mất khả năng thanh toán. Nếu không có một thủ tục đặc biệt, các chủ nợ sẽ thực hiện các hành động riêng biệt để tự bảo vệ mình, điều này có thể dẫn đến một kết cục không công bằng cho những chủ nợ thiếu thông tin hoặc biện pháp đòi nợ.
Sự tồn tại của thủ tục phá sản cá nhân, có thể giúp ích cho những đối tượng như vậy. Và tiến xa hơn nữa, nó còn có thể giúp giảm thiểu những bất ổn xã hội liên quan đến tín dụng cá nhân như hạn chế hành động tiêu cực do áp lực về nợ, cải thiện hành vi thu hồi nợ và đảm bảo lợi ích ngang bằng cho các chủ nợ.
PHÁ SẢN CÁ NHÂN LÀ GÌ
Phá sản cá nhân không đồng nghĩa với việc con nợ được phép phủi tay rút khỏi mối quan hệ tín dụng một cách nhẹ nhàng. Đó là một quá trình đánh giá, thi hành, hậu kiểm với sự tham gia của quyền lực nhà nước và đôi khi là cả những chuyên viên độc lập.
Theo pháp luật của các nước thừa nhận phá sản cá nhân, mục tiêu của việc cho phép một cá nhân tuyên bố phá sản là tạo cơ hội cho người đó hoàn thành nghĩa vụ nợ bằng cách thanh lý tài sản hoặc sắp xếp lại nguồn lực tài chính của bản thân. Cụ thể hơn, thủ tục phá sản cá nhân có thể giúp con nợ mất khả năng thanh toán không còn bị các chủ nợ quấy rầy, tìm ra cơ chế hợp pháp và hoàn chỉnh để trả nợ hoặc cấu trúc lại tài chính cá nhân. Đổi lại, các chủ nợ sẽ được đảm bảo thanh toán đủ số tiền trong khả năng con nợ phải trả theo quy định của pháp luật.
Có những cách tiếp cận trái ngược nhau trong luật pháp quốc tế về phá sản cá nhân. Đặc biệt là sự khác biệt giữ khái niệm “khởi đầu mới” (fresh start) theo luật phá sản cá nhân của Hoa Kỳ, và khái niệm “khởi đầu đánh đổi” (earned start) theo luật phá sản cá nhân của Châu Âu.
Điều này bắt nguồn từ triết lý nền tảng của phá sản cá nhân tại mỗi nơi. Pháp luật Hoa Kỳ xem phá sản cá nhân là hệ quả từ sự thất bại của thị trường, và do đó con nợ phải được cung cấp một biện pháp để rút lui khỏi thị trường khi cần thiết. Trong khi đó, người châu Âu cho rằng phá sản cá nhân là do các yếu tố kinh tế vĩ mô như suy thoái và thất nghiệp, khiến con nợ gặp khó khăn về tài chính và cần một biện pháp để tái cấu trúc những khoản nợ quá hạn.
Trên cơ sở đó, luật phá sản cá nhân của Hoa Kỳ đã thậm chí bao gồm khả năng cho phép miễn trừ ngay lập tức nghĩa vụ trả nợ của con nợ (tất nhiên kèm theo sự quy đổi về tài sản hiện có), trong khi luật phá sản cá nhân của Châu Âu nhìn chung yêu cầu một kế hoạch thanh toán bắt buộc được thực hiện như một điều kiện cho việc miễn trừ nghĩa vụ.
Tuy nhiên tựu trung lại, phá sản cá nhân dù theo cách tiếp cận của Hoa Kỳ hay Châu Âu, có thể được hiểu là một cơ chế can thiệp có sự tham gia của quyền lực nhà nước, sử dụng các thỏa thuận đa phương, hợp pháp và có hiệu lực thi hành giữa con nợ và chủ nợ, qua đó trao cho con nợ một cơ hội khởi động lại đời sống kinh tế, đồng thời nỗ lực đảm bảo quyền lợi của chủ nợ trong chừng mực hợp lý nhất có thể.
Các quốc gia khác khi xem xét áp dụng phá sản cá nhân, thường sẽ đánh giá các lợi thế và bất lợi của mỗi cách tiếp cận phá sản cá nhân từ Hoa Kỳ và Châu Âu, cùng với đặc điểm kinh tế, văn hóa và xã hội bản địa để xây dựng một cơ chế phá sản cá nhân phù hợp.
(CÒN TIẾP)
2 comments on “Phá sản cá nhân: Nguyên do và triết lý”