Phá sản cá nhân theo pháp luật Hoa Kỳ (Phần 2): Chương 7 và Chương 13
CategoriesPháp Luật

Phá sản cá nhân theo pháp luật Hoa Kỳ (Phần 3): Chương 7

Một vụ việc phá sản cá nhân theo Chương 7 sẽ không bao gồm kế hoạch trả nợ. Thay vào đó, ủy thác viên (trustee) sẽ thu thập và bán tài sản không được miễn trừ của con nợ, và sử dụng số tiền thu được từ những tài sản đó để trả cho chủ nợ theo các quy định của Đạo luật Phá sản. Mặc dù một vụ việc phá sản cá nhân theo Chương 7 thường kết thúc bằng phán quyết miễn trừ, sự miễn trừ phá sản sẽ không phải là tuyệt đối và một số loại nợ nhất định sẽ không được xóa. Hơn nữa, sự miễn trừ do phá sản cũng không làm mất đi quyền thế chấp đối với tài sản.

Các bài viết trước về phá sản cá nhân:

Phá sản cá nhân: Nguyên do và triết lý

Phá sản cá nhân theo pháp luật Hoa Kỳ (Phần 1): Lịch sử và Tổng quan

Phá sản cá nhân theo pháp luật Hoa Kỳ (Phần 2): Điều kiện và Thủ tục ban đầu

VAI TRÒ CỦA ỦY THÁC VIÊN VỤ VIỆC THEO CHƯƠNG 7

Khi hồ sơ phá sản cá nhân được nộp theo Chương 7 được nộp, US Trustee (tạm dịch là Văn phòng Ủy thác viên Hoa Kỳ – UST) hoặc tòa án phá sản ở Alabama và Bắc Carolina sẽ chỉ định một ủy thác viên độc lập để quản lý vụ việc và thanh lý tài sản không được miễn trừ của con nợ.

Ủy thác viên sẽ tổ chức một cuộc họp chủ nợ trong vòng 21 đến 40 ngày sau khi nộp đơn. Con nợ sẽ phải tuyên thệ trong cuộc họp này, làm cơ sở cho việc trả lời các câu hỏi của ủy thác viên và chủ nợ xoay quanh hồ sơ khai phá sản cá nhân, chẳng hạn như các vấn đề tài chính và tài sản của con nợ. Mặt khác, ủy thác viên cần đặt câu hỏi cho con nợ tại cuộc họp này để đảm bảo rằng con nợ nhận thức được những hệ quả tiềm ẩn của phá sản cá nhân, như sự ảnh hưởng đến lịch sử tín dụng, khả năng nộp đơn yêu cầu theo một chương khác, ảnh hưởng của việc nhận được quyền miễn trừ, và tác động của việc tái xác nhận một khoản nợ. Thẩm phán phá sản không được tham dự cuộc họp của các chủ nợ để bảo vệ phán quyết độc lập của mình sau đó.

Trong vòng 14 ngày kể từ cuộc họp chủ nợ, UST sẽ thông báo cho Tòa án nếu vụ việc có thể bị xem là một vụ lạm dụng theo các biện pháp kiểm tra mục đích (means test). Hoặc nếu tất cả tài sản của con nợ đều được miễn trừ hoặc đã thuộc các giao dịch thế chấp hợp lệ, một bản báo cáo “không có tài sản” thường sẽ được nộp cho tòa án, và sẽ không có sự phân phối tài sản nào cho các chủ nợ không có bảo đảm. Theo thống kê, 93% đơn phá sản cá nhân được khai theo Chương 7 là các trường hợp không có tài sản (1). Tuy nhiên, nếu ngay từ đầu vụ việc có vẻ là có tài sản (mà không được miễn trừ hoặc đã thuộc các giao dịch thế chấp hợp lệ), thì các chủ nợ không có bảo đảm cần nộp đơn kiện của họ kèm theo bằng chứng cho tòa án trong vòng 90 ngày kể từ ngày được ấn định lần đầu cho cuộc họp chủ nợ.

Sự khởi đầu của một vụ việc phá sản tạo ra một “estate” (tạm dịch là quyền tài sản). Về mặt kỹ thuật, quyền tài sản này là chủ sở hữu hợp pháp tạm thời của toàn bộ tài sản của con nợ, bao gồm cả tài sản thuộc sở hữu của người khác nếu con nợ có quyền lợi đối với tài sản đó. Nói cách khác, các chủ nợ được thanh toán từ các tài sản không được miễn trừ thuộc quyền tài sản.

Chức năng chính của ủy thác viên theo Chương 7 trong một vụ việc có tài sản là thanh lý các tài sản không được miễn trừ, để tối đa hóa khoản tiền thu về cho các chủ nợ không có bảo đảm. Ủy thác viên sẽ làm điều đó bằng cách bán tài sản của con nợ, nếu nó không bị thế chấp và không thuộc trường hợp bị miễn trừ.

Ủy thác viên cũng có thể thực hiện “quyền hủy bỏ” để thu hồi tiền hoặc tài sản. Cụ thể, quyền hủy bỏ của ủy thác viên bao gồm việc kháng nghị đối với các khoản thanh toán có yếu tố ưu tiên cho các chủ nợ trong vòng 90 ngày trước khi nộp hồ sơ khai phá sản; hoàn tác các khoản thanh toán lợi ích và các giao dịch chuyển nhượng tài sản trước khi nộp hồ sơ khai phá sản mà chưa được hoàn thiện theo quy định của luật, và thực hiện các khiếu nại về biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi gian lận hoặc chuyển nhượng hàng loạt.

SỰ MIỄN TRỪ THEO CHƯƠNG 7

Sự miễn trừ sẽ xóa bỏ trách nhiệm cá nhân của con nợ đối với hầu hết các khoản nợ phải trả và ngăn chặn bất kỳ hành động đòi nợ nào đối với con nợ. Trong hầu hết các vụ việc, tòa án phá sản sẽ ban hành phán quyết miễn trừ ở giai đoạn tương đối sớm – thường là 60 đến 90 ngày sau ngày được ấn định lần đầu cho cuộc họp chủ nợ, trừ khi một bên có quyền lợi nộp đơn khiếu nại phản đối việc miễn trừ hoặc một kiến ​​nghị yêu cầu gia hạn thời gian phản đối.

Trong các vụ việc phá sản cá nhân thuộc Chương 7, nguyên nhân từ chối miễn trừ tương đối hạn chế và thường được giải thích theo hướng chống lại bên thực hiện quyền phản đối. Nhìn chung, thẩm phán có thể từ chối miễn trừ nếu phát hiện con nợ không lưu giữ hoặc xuất trình đầy đủ sổ sách hoặc hồ sơ tài chính, không giải trình thỏa đáng về bất kỳ tổn thất tài sản nào, không tuân thủ lệnh hợp pháp của hội đồng phá sản, thực hiện các giao dịch chuyển nhượng gian lận, cố ý che đậy hoặc tiêu hủy tài sản mà lẽ ra sẽ trở thành tài sản của quyền tài sản.

Tuy nhiên như đã nói, sự miễn trừ phá sản là không tuyệt đối. Các chủ nợ có bảo đảm có thể thực thi quyền tịch biên các tài sản đảm bảo sau khi tòa án đưa ra phán quyết miễn trừ. Do đó, nếu con nợ muốn duy trì một số tài sản bảo đảm cụ thể (ví dụ như xe hơi), tùy thuộc vào hoàn cảnh cá nhân, họ có thể “tái xác nhận” các khoản nợ trước khi việc miễn trừ được thực hiện. Sự tái xác nhận là một thỏa thuận giữa con nợ và chủ nợ rằng, nếu con nợ được phán quyết miễn trừ trong vũ việc phá sản, thì con nợ vẫn phải chịu trách nhiệm và thanh toán toàn bộ hoặc một phần số tiền còn nợ. Đổi lại, chủ nợ hứa rằng chiếc xe hơi hoặc tài sản khác sẽ không bị thu hồi miễn là con nợ tiếp tục trả nợ. Các thỏa thuận tái xác nhận sẽ bao gồm một loạt các tiết lộ thể hiện rằng thu nhập của con nợ sau khi trừ các chi phí có thể đủ để trả khoản nợ được tái xác nhận.

Về cơ bản, một con nợ sẽ được miễn trừ trong vụ việc phá sản theo Chương 7 đối với phần lớn các khoản nợ của họ, ngoại trừ các khoản nợ do (1) cấp dưỡng ly hôn và cấp dưỡng nuôi con, (2) một số loại thuế, (3) trợ cấp giáo dục, các khoản thanh toán vượt mức hoặc các khoản vay được thực hiện hoặc được đảm bảo bởi một đơn vị chính phủ, (4) hành vi gây thương tích hoặc thiệt hại có chủ ý và ác ý cho một chủ thể khác, (5) cái chết hoặc thương tật cá nhân do con nợ gây ra khi vận hành một phương tiện cơ giới trong tình trạng say xỉn, và (6) phán quyết bồi thường hình sự. Con nợ vẫn phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ đó trong chừng mực chúng chưa được thanh toán.

Ngoài ra, tòa án cũng có thể hủy bỏ phán quyết miễn trừ theo Chương 7 theo yêu cầu của ủy thác viên, chủ nợ, hoặc UST nếu con nợ (1) có hành vi gian lận để đạt được phán quyết miễn trừ, (2) có hoặc duy trì được tài sản mà lẽ ra phải được thanh lý bằng cách cố ý hoặc gian lận, hoặc (3) đưa ra một tuyên bố sai nghiêm trọng hoặc không cung cấp tài liệu hoặc thông tin khác, mà không có lời giải thích thỏa đáng, trong trường hợp vụ việc phá sản được kiểm toán.

(1) Dalie Jimenez, 2009. “The Distribution of Assets in Consumer Chapter 7 Bankruptcy Cases”. American Bankruptcy Law Journal

(Còn tiếp)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tính năng chống sao chép đang bật. Vui lòng liên hệ người viết nếu có nhu cầu trích dẫn nội dung bài viết. Cảm ơn bạn.