Giải đáp những thắc mắc bạn đọc nêu ra ở trên, chúng tôi cung cấp những thông liên có liên quan đến vấn đề khắc phục hậu quả, điều kiện xem xét GIẢM NHẸ HÌNH PHẠT, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù.
GIẢM NHẸ HÌNH PHẠT:
Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b thuộc khoản 1, Điều 51, Bộ Luật Hình sự năm 2015.
Có nghĩa là sau khi thực hiện hành vi phạm tội đến khi ra tòa, nếu người phạm tội nhận thức rõ hành vi phạm tội bản thân gây ra và có ý thức khắc phục hậu quả thì pháp luật xem việc nộp tiền khắc phục hậu quả ở giai đoạn này chính là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, hay còn gọi là GIẢM NHẸ HÌNH PHẠT.
Dù vậy, cơ quan pháp luật chỉ công nhận việc sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả là tình tiết GIẢM NHẸ HÌNH PHẠT khi người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả.
Trường hợp người khác tác động hoặc cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội buộc phải sửa chữa, bồi thường hoặc khắc phục hậu quả thì người phạm tội mới thực hiện sẽ không được xem là tình tiết GIẢM NHẸ HÌNH PHẠT.
Việc tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả phải xảy ra trước khi tòa tuyên án.
Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả diễn ra ở cấp xét xử nào thì cấp xét xử đó coi là tình tiết GIẢM NHẸ HÌNH PHẠT.
Hiện tại, pháp luật nước ta chưa quy định rõ mức đền bù thiệt hại, khắc phục hậu quả là bao nhiêu thì người phạm tội mới được hưởng tình tiết GIẢM NHẸ HÌNH PHẠT.
Trên thực tế, mức đền bù thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả phải tương xứng với thiệt hại mà người phạm tội gây ra.
GIẢM ÁN:
Đối người đã bị kết án, đang chấp hành hình phạt tù thì việc khắc phục hậu quả của tội phạm cũng là một căn cứ khi xem xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, thường gọi là GIẢM ÁN.
Nói cách khác, việc thực hiện nghĩa vụ nộp tiền khắc phục hậu quả là một trong những tiêu chí cần thiết để xếp loại chấp hành án phạt tù. Đây chính là cơ sở quan trọng giúp cơ quan chức năng xem xét GIẢM ÁN phạt tù cho người phạm tội.
Theo điểm e thuộc khoản 2, Điều 19, Nghị định 133/2020/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự, một trong những tiêu chí chấp hành hình phạt tù được xếp loại tốt là: Tích cực khắc phục xong hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra. Phạm nhân bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền (nếu có), nộp án phí, bồi thường thiệt hại hoặc nghĩa vụ dân sự khác thì phải đã thực hiện xong các nghĩa vụ đó.
Đối với trường hợp những phạm nhân đã bị tuyên án nhưng vì một số lý do mà được giảm mức hình phạt, người bị kết án cải tạo không giam giữ, phạt tù có thời hạn hoặc phạt tù chung thân: Nếu đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định, có nhiều tiến bộ và bồi thường một phần nghĩa vụ dân sự, thì theo đề nghị từ cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, tòa án có thể quyết định GIẢM ÁN phạt dựa trên quy định tại khoản 1, Điều 63, Bộ Luật Hình sự năm 2015.
Việc GIẢM ÁN thực hiện đúng trình tự, thủ tục trong Thông tư liên tịch số 02/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP Quy định quan hệ phối hợp trong việc thực hiện trình tự, thủ tục tạm đình chỉ và giảm thời hạn chấp hành án phạt tù.
Điều 19. Điều kiện, tiêu chuẩn xếp loại chấp hành án phạt tù 2. Phạm nhân phải thực hiện đầy đủ các tiêu chí xếp loại chấp hành án phạt tù sau đây thì được xếp loại tốt: a) Ăn năn hối cải, nhận rõ tội lỗi, xác định đúng đắn thái độ, tư tưởng, yên tâm học tập, lao động, rèn luyện tiến bộ, nêu cao tinh thần vượt khó, phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội; b) Có tinh thần trách nhiệm cao, tự giác chấp hành nghiêm bản án, quyết định của Tòa án, các quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong thi hành án hình sự và quyết định khác của cơ quan nhà nước; c) Thực hiện đúng, đầy đủ, nghiêm túc Nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân, các quy định của pháp luật liên quan và quy định của cơ sở giam giữ phạm nhân; trung thực khai báo, tố giác hành vi phạm tội của người khác mà mình biết, tích cực ngăn chặn, đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, thái độ, hành vi sai phạm của phạm nhân khác; d) Có tinh thần trách nhiệm cao, tự giác, tích cực trong lao động, nghiêm túc chấp hành sự phân công của cán bộ, tham gia đầy đủ 100% ngày công, lao động có chất lượng, hiệu quả, hoàn thành 100% định mức công việc và vượt định mức hoặc tiến độ được giao, hoàn thành tốt công việc đột xuất khác, thực hiện nghiêm kỷ luật, an toàn, vệ sinh lao động, có tinh thần giúp đỡ phạm nhân khác trong công việc. Có tinh thần trách nhiệm cao, tích cực trong học tập, học nghề, các hoạt động giáo dục ngoại khóa theo quy định; tham gia học tập đầy đủ, kết quả học tập đạt từ khá trở lên; có tinh thần phấn đấu học tập nâng cao kiến thức, hiểu biết, kỹ năng nghề nghiệp; đ) Thực hiện đúng, đầy đủ, nghiêm túc nếp sống kỷ luật, trật tự, văn minh, giao tiếp, ứng xử văn hóa trong phạm nhân; có tinh thần tích cực, chủ động tham gia và có thành tích tiêu biểu trong các phong trào thi đua; có tinh thần giúp đỡ phạm nhân khác cùng tiến bộ; e) Tích cực khắc phục xong hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra. Phạm nhân bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền (nếu có), nộp án phí, bồi thường thiệt hại hoặc nghĩa vụ dân sự khác thì phải đã thực hiện xong các nghĩa vụ đó. Trường hợp được miễn thi hành hoặc bản án tuyên tạm giữ tiền đảm bảo thi hành án, số tiền đó bằng hoặc cao hơn số tiền phải khắc phục hoặc đã bị kê biên tài sản, cơ quan thi hành án dân sự đang thụ lý vụ việc xác nhận số tài sản kê biên đủ hoặc cao hơn để bảo đảm thi hành án hoặc cơ quan thi hành án dân sự có quyết định đình chỉ thi hành án hoặc quyết định kết thúc thi hành án, thì được coi là đã khắc phục xong hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra. Trường hợp người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại có văn bản đồng ý xóa nợ hoặc xác nhận đã nhận đủ số tiền mà bản án đã tuyên, được Cơ quan thi hành án dân sự đang thụ lý hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú xác nhận thì được coi là đã khắc phục xong hậu quả. Phạm nhân phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng hằng tháng, đến kỳ xếp loại, được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được nhận cấp dưỡng cư trú hoặc cơ quan thi hành án dân sự đang thụ lý vụ việc xác nhận là đã thực hiện xong đến thời điểm đó, thì được coi là đã tích cực khắc phục hậu quả. Phạm nhân khi thực hiện hành vi phạm tội là người dưới 18 tuổi mà Tòa án quyết định bố, mẹ hoặc người đại diện hợp pháp có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại dân sự, nếu những người đó đã thực hiện xong hoặc phạm nhân đã nhiều lần viết thư, liên lạc bằng điện thoại, trực tiếp đề nghị, vận động bố, mẹ hoặc người đại diện hợp pháp thực hiện mà mới thực hiện được một phần thì được coi là đã tích cực khắc phục hậu quả; g) Thực hiện đúng, đầy đủ, nghiêm túc các trách nhiệm, nghĩa vụ khác của phạm nhân theo quy định của Luật Thi hành án hình sự và pháp luật khác có liên quan. Nghị định 133/2020/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự |
(Nhung Nguyễn)