Site icon Blogluat.com

Người vay tiền trong vụ án CHO VAY LÃI NẶNG trong giao dịch dân sự có quyền nhận lại tiền không?

Trả lời thắc mắc về việc xử lý số tiền thu lợi bất chính trong vụ án CHO VAY LÃI NẶNG TRONG GIAO DỊCH DÂN SỰ, TAND Tối cao giải đáp vướng mắc này ở Công văn số 212/TANDTC-PC Về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử.

Tại Công văn số 212/TANDTC-PC, TAND Tối cao xác định người vay tiền trong vụ án CHO VAY LÃI NẶNG trong giao dịch dân sự tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, căn cứ Điều 65, Bộ Luật Tố tụng Hình sự hiện hành.

Công văn này cũng hướng dẫn rất rõ phương án xử lý khoản tiền thu lợi bất chính trong vụ án CHO VAY LÃI NẶNG trong giao dịch dân sự.

Đối với thắc mắc khoản tiền thu lợi bất chính mà người phạm tội thu được từ việc CHO VAY LÃI NẶNG bị tịch thu sung công hay trả lại cho người vay, Công văn số 212/TANDTC-PC có giải thích đoạn 2 thuộc khoản 1, Điều 468, Bộ Luật Dân sự hiện hành, quy định: Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

Do đó, khoản tiền lãi tương ứng với mức lãi suất trên 20%/năm là khoản tiền mà người phạm tội CHO VAY LÃI NẶNG trong giao dịch dân sự thu lợi bất chính của người vay nên được trả lại cho người vay tiền, trừ trường hợp người vay sử dụng tiền vay vào mục đích bất hợp pháp (đánh bạc, mua bán trái phép chất ma túy…) thì khoản tiền thu lợi bất chính bị tịch thu sung công quỹ nhà nước.

Công văn số 212/TANDTC-PC giải đáp thêm nhiều vướng mắc khi giải quyết số tiền thu lợi bất chính trong vụ án CHO VAY LÃI NẶNG trong giao dịch dân sự:

– Khoản tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự là tổng số tiền lãi thu được từ việc cho vay hay là khoản tiền lãi thu được sau khi trừ đi tiền lãi theo quy định của Bộ Luật Dân sự?

Theo khoản 1 thuộc Điều 468, Bộ Luật Dân sự năm 2015, lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay… Do đó, khoản tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự là số tiền lãi thu được sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất theo quy định tại Bộ Luật Dân sự.

– Khoản tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự trong vụ án là tổng số tiền lãi mà người phạm tội thu được của tất cả những người vay hay số tiền lãi thu được của từng người vay?

+ Khoản tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự là tổng số tiền lãi mà người phạm tội thu được của tất cả những người vay, nếu hành vi CHO VAY LÃI NẶNG được thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian.

+ Trường hợp một người thực hiện nhiều lần hành vi CHO VAY LÃI NẶNG, mà tổng số tiền thu lợi bất chính của các lần phạm tội từ 100 triệu đồng trở lên, nếu các lần phạm tội đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thì ngoài việc bị áp dụng khung hình phạt tương ứng với trị giá tài sản chiếm đoạt, họ còn bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g, khoản 1 Điều 52, Bộ Luật Hình sự.

– Khoản tiền người phạm tội dùng để cho vay và khoản lãi tương ứng với mức lãi suất 20%/năm có xác định là phương tiện phạm tội để tịch thu sung quỹ nhà nước hay trả cho người phạm tội?

+ Đối với khoản tiền cho vay (tiền gốc) được xác định là phương tiện phạm tội, nên bị tịch thu sung quỹ Nhà nước.

+ Đối với khoản tiền lãi tương ứng với mức lãi suất 20%/năm tuy không bị tính khi xác định trách nhiệm hình sự, nhưng đây cũng là khoản tiền phát sinh từ tội phạm, đồng thời hoạt động CHO VAY LÃI NẶNG thường gắn với các băng nhóm tội phạm. Để đảm bảo yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm thì tòa án phải tuyên tịch thu sung công quỹ nhà nước khoản tiền này.

– Trong vụ án CHO VAY LÃI NẶNG trong giao dịch dân sự có bắt buộc phải trưng cầu giám định về tiền lãi không?

Tại Điều 4 của Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-VKSNDTC- TANDTC-BCA-BTP Quy định những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định tư pháp trong giải quyết vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế thì việc xác định tiền lãi, tiền lãi nặng trong vụ án này không thuộc trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định tư pháp.

(Tổng hợp)

Exit mobile version