Site icon Blogluat.com

Khó xử “Đơn DI CHÚC…” trong một vụ tranh chấp THỪA KẾ

NGUỒN: INTERNET

Cơ quan xét xử giám đốc thẩm tuyên bố hủy cả bản án phúc thẩm lẫn sơ thẩm vụ kiện Tranh chấp THỪA KẾ quyền sử dụng đất và nhà ở với lý do tòa án công nhận văn bản DI CHÚC hợp pháp khi chưa đủ cơ sở pháp luật.

Ai THỪA KẾ mảnh đất theo DI CHÚC?

Hồ sơ vụ kiện thể hiện vợ chồng cụ N.B.T2 và cụ T.T.S1 có 6 người con gái, gồm: bà N.T.K, bà N.T.C, b N.T.T, bà N.T.Th, bà.T.K.Ch và bà N.T.D.

Trước khi cụ N.B.T2 qua đời (năm 1972), hai cụ sinh sống tại ngôi nhà gỗ nằm trên thửa đất đang tranh chấp do cha ông để lại, có diện tích 193,8 m2. Cụ N.B.T2 qua đời không để lại DI CHÚC.

Đến năm 1975, cụ S1 bán ngôi nhà gỗ nói trên; và xây dựng mới ngôi nhà ngói 4 gian có diện tích 54,96 m2 cùng một số công trình phụ khác.

Năm 1984, có sự đồng ý từ cụ S1 nên vợ chồng bà N.T.K xây căn nhà cấp 4 rộng khoảng 39,39 m2 trên khu đất. Sau đó, vợ chồng bà K cho phép vợ chồng anh T.Q.L rồi đến vợ chồng anh T.Q.Đ quản lý, sử dụng căn nhà cấp 4 từ năm 1994 đến nay.

Ngày 31/3/1986, cụ S1 lập “Văn bản giao nhà đất ở cho con” có nội dung: nhà đất làm nơi thờ cúng tổ tiên; không ai được mua bán, đổi chác…

Tuy nhiên, khoảng 1 năm sau, cụ S1 lại lập “Đơn DI CHÚC, Giấy sang tên đất và nhà ở” để lại 4 gian nhà ngói cùng toàn bộ thửa đất 193,8 m2 cho bà N.T.D. Với văn bản trên, cụ S1 giao bà D toàn quyền sở hữu thửa đất với mục đích thờ cúng tổ tiên. DI CHÚC có trưởng thôn và UBND xã xác nhận.

Đến năm 2014, cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà N.T.D đối với thửa đất 193,8 m2.

Nhận thấy việc bà D có THỪA KẾ toàn bộ tài sản này là không thỏa đáng, những người con khác làm đơn khởi kiện.

Tại tòa án, các đồng nguyên đơn cho rằng bản DI CHÚC lập năm 1987 không hợp pháp bởi nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, tiêu đề ghi “Giấy sang tên đất và nhà ở” nhưng có chèn lên thêm dòng “Đơn DI CHÚC”; người viết DI CHÚC và những người làm chứng đều là con cháu trong nhà nên không thể hiện tính khách quan. Thứ hai là về mốc thời gian, DI CHÚC lập năm 1987 nhưng đến năm 1992 chính quyền địa phương mới xác nhận. Thứ ba, sơ đồ vẽ trong DI CHÚC và nội dung DI CHÚC không đề cập đến căn nhà vợ chồng bà K xây dựng năm 1984; trong khi, DI CHÚC lại định đoạt cả phần đất cụ S1 đã cho gia đình bà K xây nhà từ năm 1984.

Vì những lẽ trên, các nguyên đơn yêu cầu cơ quan xét xử chia đều di sản do cụ S1 để lại cho 6 người con; giao lại vợ chồng bà K quyền sử dụng phần đất có căn nhà do vợ chồng bà xây dựng.

Phản bác, bị đơn giải thích rằng cụ S1 đồng ý việc vợ chồng bà K xây nhà trên mảnh đất, chứ không hề cho đứt mảnh đất. Bà D không biết chuyện mẹ mình làm “Văn bản giao nhà đất ở cho con” (ngày 31/3/1986).

Bị đơn trình bày thời điểm lập DI CHÚC, mẹ bà – cụ S1 có sức khỏe tốt, tinh thần tỉnh táo, minh mẫn.

Kết quả, tòa sơ thẩm chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện. Trong đó, HĐXX sơ thẩm tuyên bố vợ chồng bà K có quyền THỪA KẾ miếng đất có căn nhà do vợ chồng bà này xây dựng.

Sau khi bản án sơ thẩm có hiệu lực, bà D cùng 1 người liên quan kháng cáo.

Sửa bản án sơ thẩm, tòa phúc thẩm bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện về chia di sản THỪA KẾ đối với quyền sử dụng thửa đất 193,8 m2. Đồng thời, bản án phúc thẩm giao bà D quyền quản lý, sử dụng toàn bộ thửa đất cùng quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

“Đơn DI CHÚC…” có phải là DI CHÚC?

Không đồng tình, bà N.T.K cùng 2 nguyên đơn khác gửi đơn đề nghị xem xét lại bản án dân sự phúc thẩm.

Cùng đó, TAND Cấp cao tại TP Hà Nội cũng kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP Hà Nội hủy toàn bộ bản án dân sự phúc thẩm và sơ thẩm. Tại phiên xử giám đốc thẩm, VKSND Cấp cao tại TP Hà Nội đề nghị cơ quan xét xử chấp nhận kháng nghị.

Căn cứ hồ sơ vụ kiện, cơ quan xét xử giám đốc thẩm nhận định tòa  sơ thẩm công nhận quyền sử dụng thửa đất có diện tích 193,8 m2 là tài sản chung của cụ S1 và cụ T2 là có căn cứ, đúng pháp luật. Tòa phúc thẩm xác định toàn bộ quyền sử dụng đất là di sản của cụ S1 là không đúng pháp luật.

Ngoài ra, cơ quan xét xử giám đốc thẩm cho rằng hai cấp xét xử chưa đủ căn cứ xác định văn bản “Đơn DI CHÚC, Giấy sang tên đất và nhà ở” là DI CHÚC của cụ S1 để lại toàn bộ nhà đất cho bà D. Bởi vì, hồ sơ vụ việc chưa có bằng chứng xác định rõ cụ S1 để lại cho bà D toàn bộ nhà đất với mục đích sở hữu, sử dụng hay chỉ trông nom để thờ cúng?

Chưa kể, cơ quan chức năng không rõ cụ S1 có biết chữ hay không?  “Đơn DI CHÚC, Giấy sang tên đất và nhà ở” do cháu dâu viết hộ có thể hiện đúng ý chí của cụ S1 hay không? Hiện chưa có tài liệu nào thể hiện sau khi viết hộ “Đơn DI CHÚC, Giấy sang tên đất và nhà ở” thì người cháu dâu có đọc cho cụ S1 nghe hoặc cụ S1 đã đọc và cụ S1 công nhận đúng ý chí của mình, những người làm chứng không xác nhận nội dung này.

Đó là những lý do cốt yếu khiến cơ quan xét xử giám đốc thẩm phải toàn bộ hai bản án, giao hồ sơ về tòa án có thẩm quyền giải quyết lại từ đầu.

(Lược ghi từ Quyết định Giám đốc thẩm số 10/2022/DS-GĐT ngày 25/02/2022)

 

Exit mobile version