Một trong các nghĩa vụ cơ bản của nhà thầu trong hợp đồng xây dựng nói chung, hay mẫu hợp đồng FIDIC nói riêng, là việc hoàn thành công trình đúng tiến độ đã cam kết. Tuy nhiên, vì nhiều yếu tố chủ quan lẫn khách quan, thời hạn đó có thể không đạt được. Nếu như sự chậm trễ phát sinh do lỗi của nhà thầu, phạt vi phạm có thể được áp dụng. Vậy, theo mẫu hợp đồng xây dựng FIDIC, liệu trong trường hợp nào thì nhà thầu sẽ bị phạt vi phạm, và ngược lại, trong trường hợp nào thì nhà thầu sẽ được gia hạn thời gian (extension of time – EOT) hoàn thành công trình?
Trong phạm vi bài viết này, phân tích được dựa trên các điều khoản của Điều kiện chung FIDIC (Quyển đỏ, phiên bản năm 2017 dịch bởi VECAS). Trong từng trường hợp thực tế và cụ thể, việc áp dụng đúng phiên bản FIDIC và xác định các điều khoản được thỏa thuận thêm tại tài liệu Điều kiện đặc biệt (nếu có) cần được lưu ý.
GIA HẠN THỜI GIAN THEO HỢP ĐỒNG FIDIC
Gia hạn thời gian hoàn thành (extension of time) là một sự kiện mà thời hạn hoàn thành (time for completion) ban đầu trong hợp đồng sẽ được kéo dài, và theo đó, những nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của nhà thầu xung quanh thời hạn ban đầu này (bao gồm cả việc chịu phạt chậm tiến độ) được dời lại một cách tương ứng. Nói cách khác, một chuỗi các hành động từ khi nhà thầu bằng cách trình nộp khiếu nại, thông qua đánh giá của nhà tư vấn, kết thúc bằng việc đồng thuận giữa chủ đầu tư và nhà thầu (toàn bộ hoặc một phần), là sự ghi nhận và thỏa thuận của các bên rằng (i) thời hạn hoàn thành ban đầu là không thể đạt được và (ii) sự cố ấy không hoàn toàn do lỗi của nhà thầu và do đó (iii) thời hạn hoàn thành cần được kéo dài thêm một khoảng thời gian nhất định.
Về nguyên tắc, việc thời gian hoàn thành công trình kéo dài hơn ước tính ban đầu sẽ buộc nhà thầu gánh chịu thêm chi phí, nên một khiếu nại về gia hạn thời gian hoàn thành thường đi kèm với yêu cầu thanh toán chi phí phát sinh liên quan đến khoảng thời gian bị kéo dài đó. Tuy nhiên trên thực tế, các tình huống chậm trễ tiến độ trong công trình xây dựng thường là một tình huống hỗn hợp (mixed circumstance), mà trong đó sự đình trệ xuất phát từ nhiều nguyên nhân và từ nhiều phía. Do đó, sự gia hạn thời gian đôi khi không nhất thiết tạo nên quyền lợi cho nhà thầu về chi phí phát sinh, vì kết quả cuối cùng có thể là một thỏa thuận thương mại toàn diện giữa các bên sau khi cân nhắc thấu đáo về những yếu tố lỗi, thời gian và chi phí.
CÁC TRƯỜNG HỢP NHÀ THẦU ĐƯỢC GIA HẠN THỜI GIAN HOÀN THÀNH
Theo quy định của hợp đồng FIDIC, có tổng cộng 22 sự kiện hoặc tình huống mà khi nảy sinh, nhà thầu được quyền trình nộp khiếu nại gia hạn thời gian hoàn thành công trình bao gồm:
- Có sự chậm trễ trong việc phát hành bản vẽ hoặc chỉ dẫn của chủ đầu tư hoặc nhà tư vấn, dẫn đến hoạt động thi công hoặc thậm chí việc chuẩn bị các tài liệu của nhà thầu (ví dụ như biện pháp thi công, bản vẽ triển khai thi công) bị chậm trễ, gián đoạn (theo Khoản 1.9 của Điều kiện chung FIDIC).
- Chủ đầu tư vi phạm cam kết liên quan đến tuân thủ luật pháp, ví dụ như không thể hoặc chậm trễ trong việc đạt được các chấp thuận, cấp phép (ví dụ như văn bản thẩm định hồ sơ thiết kế kỹ thuật, giấy phép xây dựng) của cơ quan chức năng để thi công công trình (theo Khoản 1.13 của Điều kiện chung FIDIC).
- Chủ đầu tư không thể cung cấp quyền tiếp cận công trường theo hạn định cho nhà thầu, dẫn đến nhà thầu không thể bắt đầu công việc, hoặc không thể triển khai công việc theo kế hoạch ban đầu (theo Khoản 2.1 của Điều kiện chung FIDIC).
- Việc triển khai công việc của nhà thầu bị chậm trễ do nhà thầu phải tuân theo chỉ dẫn của nhà tư vấn về việc hợp tác, phối hợp hay tạo điều kiện thi công cho các nhà thầu khác mà chủ đầu tư thuê, mà sự hợp tác, phối hợp hay tạo điều kiện thi công như vậy là không thể lường trước được (theo Khoản 4.6 của Điều kiện chung FIDIC). Trong tình huống này, tính chất “không thể lường trước được” là điều kiện tiên quyết để xác định rằng liệu nhà thầu có quyền lợi về gia hạn thời gian hoàn thành hay không. Ví dụ như trường hợp trong quá trình đấu thầu, nhà thầu đã được thông báo, hoặc với các thông tin có trong hồ sơ mời thầu, đáng lẽ phải biết về sự hiện diện, tham gia và nhu cầu phối hợp của các nhà thầu khác trong quá trình nhà thầu thực hiện công việc của mình, thì có thể nhà thầu sẽ không có quyền yêu cầu gia hạn thời gian hoàn thành.
- Có sự sai sót trong mốc công trình mà chủ đầu tư cung cấp, dẫn đến nhà thầu không thể định vị, hoặc định vị sai công trình, và các công tác mang tính hệ quả sau đó làm kéo dài thời gian hoàn thành (theo Khoản 4.7 của Điều kiện chung FIDIC). Cần lưu ý rằng trong tình huống này, một điều kiện tiên quyết cũng sẽ được xem xét đến là nhà thầu, với giả định là một nhà thầu có kinh nghiệm, liệu đáng lý đã phải phát hiện ra sai sót này trong quá trình đấu thầu hay không.
- Nhà thầu bắt gặp điều kiện vật chất không lường trước được trong quá trình thi công (theo Khoản 4.12 của Điều kiện chung FIDIC), ví dụ như vật cản ngầm dưới lòng đất mà Blog Luật đã từng có bài viết phân tích tại Vật cản ngầm dưới lòng đất: Ai chịu rủi ro theo hợp đồng xây dựng FIDIC.
- Có sự thay đổi về lối ra vào công trường sau khi nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu, mà sự thay đổi đó đến từ chủ đầu tư hoặc bên thứ ba (không phải do nhà thầu, mà một ví dụ điển hình là nhà thầu vi phạm nghĩa vụ bảo vệ, bảo trì dẫn đến lối ra vào bị hư hỏng, không thể sử dụng) (theo Khoản 4.15 của Điều kiện chung FIDIC).
- Trong quá trình thi công, nhà thầu phát hiện các vật phẩm mang tính khảo cổ hoặc địa chất (ví dụ như cổ vật, di vật) mà nhà tư vấn sau đó đưa ra chỉ dẫn xử lý cổ vật, di vật đó theo cách mà việc triển khai công việc của nhà thầu sẽ bị chậm trễ (theo Khoản 4.23 của Điều kiện chung FIDIC).
- Việc triển khai công việc của nhà thầu bị chậm trễ do nhà thầu phải tuân theo chỉ dẫn về các cuộc thử nghiệm bổ sung (mà kết quả sau đó thể hiện nhà thầu không vi phạm hợp đồng) hoặc việc nhà tư vấn tham gia các cuộc thử nghiệm, hoặc các cuộc thử nghiệm của nhà thầu bị đình trễ do nguyên nhân từ chủ đầu tư (theo Khoản 7.4 của Điều kiện chung FIDIC).
- Việc triển khai công việc của nhà thầu bị chậm trễ do nhà thầu phải thực hiện các sửa chữa khẩn cấp vì sự an toàn của Công trình, và nếu nhu cầu sửa chữa đó phát sinh từ một tai nạn, sự kiện không lường trước được hoặc nguyên nhân khác do hành động của chủ đầu tư hoặc nhân lực của chủ đầu tư (bao gồm cả các nhà tư vấn, nhà thầu khác mà chủ đầu tư thuê) (theo khoản 7.6 của Điều kiện chung FIDIC).
- Nhà tư vấn đưa ra chỉ dẫn về công việc phát sinh (theo Khoản 8.5 và Khoản 13.3 của Điều kiện chung FIDIC).
- Những điều kiện thời tiết xấu bất thường tại công trường, mà nhà thầu không thể lường trước được dù đã nghiên cứu các dữ liệu khí hậu mà chủ đầu tư cung cấp hoặc được công khai (theo khoản 8.5 của Điều kiện chung FIDIC).
- Việc thiếu hụt nhân lực hoặc hàng hóa một cách không lường trước được do nguyên nhân dịch bệnh hoặc các hoạt động của chính quyền (theo Khoản 8.5 của Điều kiện chung FIDIC), mà một ví dụ điển hình sự bùng phát dịch bệnh Covid-19 và các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội do chính quyền trung ương hoặc địa phương áp dụng để hạn chế lây lan.
- Việc triển khai công việc của nhà thầu bị chậm trễ do sự chậm trễ, trở ngại hoặc ngăn cản gây ra bởi chủ đầu tư hoặc nhân lực của chủ đầu tư (bao gồm cả các nhà tư vấn, nhà thầu khác mà chủ đầu tư thuê) (theo khoản 8.5 của Điều kiện chung FIDIC).
- Chủ đầu tư yêu cầu tạm ngừng công trình mà nguyên nhân của việc tạm ngưng đó không thuộc trách nhiệm của nhà thầu (ví dụ như việc nhà thầu vi phạm quy định an toàn dẫn đến nếu tiếp tục thi công có thể gây tai nạn nghiêm trọng) (theo khoản 8.10 của Điều kiện chung FIDIC).
- Việc triển khai công việc của nhà thầu bị chậm trễ do chủ đầu tư quyết định nhận bàn giao, đưa vào sử dụng một bộ phận của công trình, mà hành động này của chủ đầu tư không được quy định trước trong hợp đồng (với định nghĩa về một hạng mục/section của công trình) (theo khoản 10.2 của Điều kiện chung FIDIC).
- Nhà thầu bị cản trở trong việc thử hiện các cuộc thử nghiệm khi hoàn thành công trình bởi nhân lực của chủ đầu tư hoặc nguyên nhân khác mà chủ đầu tư là người chịu trách nhiệm (theo khoản 10.3 của Điều kiện chung FIDIC).
- Có sự thay đổi về luật pháp sau khi nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu mà hệ quả là nhà thầu sẽ bị chậm trễ trong quá trình triển khai công việc (theo Khoản 13.6 của Điều kiện chung FIDIC).
- Nhà thầu tạm ngừng công trình hoặc giảm tỷ lệ công việc, do chủ đầu tư hoặc nhà tư vấn vi phạm các quy định liên quan đến thanh toán, như sự thu xếp nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư, việc phát hành chứng chỉ thanh toán của nhà tư vấn hoặc chủ đầu tư vi phạm thời hạn thanh toán (theo khoản 16.1 của Điều kiện chung FIDIC).
- Nhà thầu đưa ra thông báo về ý định chấm dứt hợp đồng do vi phạm của chủ đầu tư hoặc nhà tư vấn, và chủ đầu tư đã kịp thời khắc phục hành vi vi phạm tương ứng, tuy nhiên việc triển khai công việc của nhà thầu đã bị chậm trễ trong khoảng thời gian chờ chủ đầu tư khắc phục hành vi vi phạm (theo khoản 16.2 của Điều kiện chung FIDIC).
- Công trình, hàng hóa hoặc tài liệu của nhà thầu bị thiệt hại hoặc mất mát do một số nguyên nhân được xác định là thuộc rủi ro của chủ đầu tư, và việc triển khai công việc của nhà thầu bị chậm trễ do cần khắc phục sự thiệt hại, mất mát đó (theo Khoản 17.2 của Điều kiện chung FIDIC).
- Sự kiện bất khả kháng (theo Khoản 18.4 của Điều kiện chung FIDIC).
QUYỀN LỢI CỦA NHÀ THẦU VỀ GIA HẠN THỜI GIAN HOÀN THÀNH
Có thể thấy, với quy định về 22 sự kiện hoặc tình huống nêu trên, FIDIC đã nỗ lực tạo nên mối quan hệ hợp đồng và cơ chế chia sẻ rủi ro một cách công bằng giữa nhà thầu và chủ đầu tư. Trong đó, xét riêng về khía cạnh thời gian, nhà thầu sẽ được bảo vệ khỏi những tình huống chủ quan hay khách quan, mà vì đó công trình bị chậm trễ nhưng không thuộc về lỗi của họ.
Tuy nhiên, cần lưu ý về một số vấn đề quan trọng liên quan đến quyền lợi của nhà thầu về gia hạn thời gian hoàn thành như sau:
- Như trình bày ở phần mở đầu, các tình huống chậm trễ tiến độ trong công trình xây dựng thường là một tình huống hỗn hợp (mixed circumstance), mà trong đó sự đình trệ xuất phát từ nhiều nguyên nhân và từ nhiều phía. Việc phân tích các tình huống chậm trễ tiến độ trên thực tế, như vậy, không thể rõ ràng và đơn giản bằng việc chỉ tham chiếu đến một hay các quy định nêu trên trong hợp đồng FIDIC. Ngay tại Khoản 8.5 của Điều kiện chung FIDIC cũng có đề cập đến trường hợp mà sự chậm trễ tiến độ gây ra bởi một vấn đề thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư đồng thời với sự chậm trễ gây ra bởi một vấn đề thuộc trách nhiệm của nhà thầu. Tuy nhiên, FIDIC chưa đưa ra hướng dẫn cụ thể hơn trong việc giải quyết một trường hợp như vậy. Do đó, các bên tại thời điểm soạn thảo, đàm phán hợp đồng được khuyến nghị cần trao đổi về cơ chế xử lý phù hợp.
- Quyền lợi của nhà thầu về gia hạn thời gian hoàn thành là một trong số các quyền lợi phụ thuộc vào nghĩa vụ thông báo trong thời hạn định trước (time-barred notice), mà Blog Luật đã từng có phân tích tại bài viết Thông báo: Hành động cần thiết để tránh mất quyền lợi theo Hợp đồng xây dựng FIDIC