Site icon Blogluat.com

Giao dịch dân sự năm 2024, có rất nhiều cách

giao dịch dân sự

Pháp luật dân sự hiện hành khẳng định giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

Hình thức của giao dịch dân sự là phương tiện thể hiện nội dung của giao dịch. Thông qua phương tiện này, phía đối tác cũng như người thứ ba có thể biết nội dung giao dịch đã xác lập. Đây là chứng cứ xác nhận các quan hệ đã, đang tồn tại giữa các bên, qua đó xác định trách nhiệm dân sự khi có hành vi vi phạm xảy ra.

Hình thức giao dịch dân sự nào phổ biến nhất?

Về hình thức, giao dịch dân sự có thể được thể hiện bằng lời nói, văn bản hoặc hành vi cụ thể. Người xác lập giao dịch có quyền lựa chọn hình thức của giao dịch dân sự đó.

Pháp luật có thể yêu cầu về hình thức giao dịch dân sự buộc các chủ thể tuân theo trong một số trường hợp đặc biệt, đó là yêu cầu phải lập thành văn bản, phải có chứng nhận, chứng thực, đăng ký, xin phép.

Giao dịch dân sự bằng lời nói:

Mặc dù có mức độ xác thực thấp nhất nhưng giao dịch bằng lời nói là hình thức giao dịch dân sự phổ biến nhất hiện nay.

Hình thức giao dịch dân sự bằng lời nói thường được áp dụng đối với các giao dịch thực hiện ngay và chấm dứt ngay sau đó (mua bán trao tay), hoặc giữa các chủ thể có quan hệ mật thiết, tin cậy, giúp đỡ lẫn nhau.

Cũng có những trường hợp giao dịch dân sự bằng lời nói phải đảm bảo tuân thủ những điều kiện luật định mới có giá trị.

Giao dịch dân sự bằng văn bản: có hai loại chính là văn bản thường và văn bản có công chứng, chứng thực.

Trong đó, văn bản thường được áp dụng đối với trường hợp các bên tham gia giao dịch dân sự thỏa thuận hoặc pháp luật quy định giao dịch dân sự phải thể hiện bằng hình thức văn bản. Hình thức này có tính xác thực cao hơn, rõ ràng hơn so với giao dịch dân sự thể hiện bằng lời nói.

Văn bản có công chứng, chứng thực được áp dụng khi pháp luật bắt buộc thành lập giao dịch dân sự bằng văn bản có công chứng, chứng thực hoặc do các bên thỏa thuận phải có chứng nhận, chứng thực, đăng ký hoặc xin phép.

Ngoài ra, giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.

Giao dịch dân sự bằng hành vi:

Giao dịch dân sự có thể được xác lập thông qua những hành vi nhất định theo quy ước, quy định trước.

Giao dịch dân sự có thể được xác lập thông qua hình thức này mà không nhất thiết cần sự hiện diện đồng thời của tất cả các bên giao kết. Hình thức giao dịch dân sự bằng hành vi ngày càng phổ biến ở những quốc gia có nền công nghiệp tự động hóa phát triển.

Điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực

Theo Điều 117, Bộ Luật Dân sự năm 2015, giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ những điều kiện sau:

– Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

– Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

– Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.

Vì sao giao dịch dân sự vô hiệu?

Pháp luật ghi nhận 7 trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu, gồm:

– Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội theo Điều 123, Bộ Luật Dân sự năm 2015.

– Giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo theo Điều 124, Bộ Luật Dân sự năm 2015.

– Giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện theo Điều 125, Bộ Luật Dân sự năm 2015.

– Giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn theo Điều 126, Bộ Luật Dân sự năm 2015.

– Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép theo Điều 127, Bộ Luật Dân sự năm 2015.

– Giao dịch dân sự vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình theo Điều 128, Bộ Luật Dân sự năm 2015.

– Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức theo Điều 129, Bộ Luật Dân sự năm 2015.

Hậu quả pháp lý khi giao dịch dân sự vô hiệu:

Giao dịch dân sự vô hiệu sẽ kéo theo những hậu quả pháp lý nhất định như Điều 131, Bộ Luật Dân sự năm 2015, đề cập:

– Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.

– Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.

– Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.

– Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.

– Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ Luật Dân sự năm 2015, luật khác có liên quan quy định.

Khi nào tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu?

Thời hiệu yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu được quy định tại Điều 132 thuộc Bộ Luật Dân sự năm 2015, gồm:

– Thời hiệu yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu quy định tại các Điều 125, 126, 127, 128 và 129 thuộc Bộ Luật Dân sự năm 2015 là 02 năm, kể từ ngày:

+ Người đại diện của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự biết hoặc phải biết người được đại diện tự mình xác lập, thực hiện giao dịch;

+ Người bị nhầm lẫn, bị lừa dối biết hoặc phải biết giao dịch được xác lập do bị nhầm lẫn, do bị lừa dối;

+ Người có hành vi đe dọa, cưỡng ép chấm dứt hành vi đe dọa, cưỡng ép;

+ Người không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình xác lập giao dịch;

+ Giao dịch dân sự được xác lập trong trường hợp giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức.

– Hết thời hiệu quy định trên mà không có yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu thì giao dịch dân sự có hiệu lực.

– Đối với giao dịch dân sự quy định tại Điều 123 và Điều 124 thuộc Bộ Luật Dân sự năm 2015 thì thời hiệu yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu không bị hạn chế.

(Blogluat.com)

 

Exit mobile version