Site icon Blogluat.com

Đăng ký khai sinh cho trẻ có yếu tố nước ngoài từ năm 2024, cách nào? 

đăng ký khai sinh

Điều 7 thuộc Thông tư số 04/2020/TT-BTP (Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch) hướng dẫn đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài. 

Đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài cần những giấy tờ gì?

Theo đó, Điều 7 có hướng dẫn chi tiết: 

– Hồ sơ đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra ở nước ngoài, có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam hoặc cha và mẹ đều là công dân Việt Nam, chưa được đăng ký khai sinh ở nước ngoài, về cư trú tại Việt Nam, được thực hiện theo quy định tại Điều 29, Nghị định 123/2015/NĐ-CP và hướng dẫn dưới đây:

+ Giấy tờ chứng minh việc trẻ em đã nhập cảnh hợp pháp và cư trú tại Việt Nam tuân thủ khoản 2 thuộc Điều 29, Nghị định số 123/2015/NĐ-CP, gồm: giấy tờ chứng minh việc trẻ em đã nhập cảnh hợp pháp vào Việt Nam (hộ chiếu, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế có dấu xác nhận nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh); và văn bản xác nhận của cơ quan công an có thẩm quyền về việc trẻ em đang cư trú tại Việt Nam.

+ Việc xác định quốc tịch Việt Nam cho trẻ khi đăng ký khai sinh thực hiện đúng quy định pháp luật Việt Nam về quốc tịch.

– Trường hợp cha, mẹ lựa chọn quốc tịch nước ngoài cho con khi đăng ký khai sinh, thì ngoài văn bản thỏa thuận lựa chọn quốc tịch còn phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền của nước mà trẻ được chọn mang quốc tịch về việc trẻ có quốc tịch phù hợp quy định pháp luật của nước đó.

Nếu cơ quan có thẩm quyền nước ngoài không xác nhận thì cơ quan đăng ký hộ tịch thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ, nhưng để trống phần ghi về quốc tịch trong giấy khai sinh và sổ đăng ký khai sinh.

Cơ quan nào tiếp nhận hồ sơ đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài?

Về thẩm quyền đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài, Điều 35 thuộc Luật Hộ tịch 2014, đề cập: UBND cấp huyện nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ em trong các trường hợp sau đây:

– Trẻ em được sinh ra tại Việt Nam:

+ Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là người nước ngoài hoặc người không quốc tịch;

+ Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam cư trú ở trong nước còn người kia là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;

+ Có cha và mẹ là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;

+ Có cha và mẹ là người nước ngoài hoặc người không quốc tịch;

– Trẻ em được sinh ra ở nước ngoài chưa được đăng ký khai sinh về cư trú tại Việt Nam:

+ Có cha và mẹ là công dân Việt Nam;

+ Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam.

Đối chiếu những quy định pháp luật kể trên, chúng ta có thể hiểu rằng việc đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài được thực hiện theo quy định pháp luật Việt Nam về quốc tịch. 

Thẩm quyền đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài thuộc UBND cấp huyện nơi cư trú của cha hoặc mẹ ruột của trẻ. 

Thủ tục đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài thực hiện như thế nào?

Điều 36 thuộc Luật Hộ tịch 2014 quy định về thủ tục đăng ký khai sinh như sau:

– Người đi đăng ký khai sinh nộp giấy tờ theo quy định tại khoản 1 thuộc Điều 16, Luật Hộ tịch 2014 cho cơ quan đăng ký hộ tịch. 

+ Trường hợp cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ là người nước ngoài thì phải nộp văn bản thỏa thuận của cha, mẹ về việc chọn quốc tịch cho con.

+ Trường hợp cha, mẹ chọn quốc tịch nước ngoài cho con thì văn bản thỏa thuận phải có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước ngoài mà người đó là công dân.

– Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ đúng luật định, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức làm công tác hộ tịch ghi nội dung khai sinh vào Sổ hộ tịch. 

+ Nếu trẻ có quốc tịch nước ngoài thì không ghi nội dung quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 14, Luật Hộ tịch 2014; tức là không ghi số định danh cá nhân vào Sổ hộ tịch. 

Theo khoản 1 Điều 16 Luật Hộ tịch 2014 quy định về thủ tục đăng ký khai sinh thì người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch.

Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật.

Có thể đăng ký khai sinh khi trẻ đã đăng ký khai sinh ở nước ngoài không?

Luật hộ tịch 2014 cũng như Nghị định 123/2015/NĐ-CP đều khẳng định trẻ em sinh ở nước ngoài chưa đăng ký khai sinh thì có thể về nước đăng ký khai sinh.

Dù không đăng ký khai sinh ở Việt Nam nhưng cha, mẹ hay gia đình trẻ có thể làm thủ tục yêu cầu ghi vào Sổ hộ tịch việc khai sinh tại nước ngoài của trẻ tại UBND cấp huyện có thẩm quyền.

Về thủ tục ghi vào Sổ hộ tịch việc khai sinh của trẻ, Luật Hộ tịch 2014 có hướng dẫn cặn kẽ:

– Người yêu cầu ghi vào Sổ hộ tịch việc khai sinh; giám hộ; nhận cha, mẹ, con; xác định cha, mẹ, con; nuôi con nuôi; thay đổi hộ tịch; khai tử nộp tờ khai theo mẫu quy định và bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh các việc này đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cho cơ quan đăng ký hộ tịch.

– Sau khi nhận đủ giấy tờ đúng luật định, công chức làm công tác hộ tịch kiểm tra, nếu thấy yêu cầu là phù hợp thì ghi vào Sổ hộ tịch. cùng đó, Phòng Tư pháp báo cáo chủ tịch UBND cấp huyện cấp trích lục cho người yêu cầu.

– Trường hợp cần xác minh thì thời hạn giải quyết không quá 03 ngày làm việc.

(Blogluat.com)

Exit mobile version