Vào ngày 04/09/2021, mạng xã hội lan truyền một đoạn video ngắn quay lại từ camera an ninh của cửa hàng. Trong đó, một người đàn ông phát hiện việc shipper đứng kế bên mình vô ý đánh rơi bóp tiền, nhưng thay vì cảnh báo cho shipper, ông đã lặng lẽ im lặng đợi shipper rời đi, và tiến đến nhặt của rơi.
Tạm thời đặt diễn biến tiếp theo của câu chuyện sang một bên, câu hỏi được đặt ra là hành vi của người đàn ông này sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật.
Đầu tiên, cần xác định liệu hành vi âm thầm “nhặt được của rơi, tạm thời bỏ túi” được xem là hành vi trộm cắp tài sản, hay chiếm giữ trái phép tài sản của người khác.
Chiếm giữ trái phép tài sản là hành vi cố tình không trả lại tài sản cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cho cơ quan có trách nhiệm về tài sản do bị giao nhầm, do tìm được, bắt được sau khi đã có yêu cầu nhận lại tài sản đó. Nói một cách ngắn gọn, hành vi chiếm giữ trái phép tài sản thường thấy trong các trường hợp nhận tiền chuyển khoản nhầm, hoặc nhận hàng giao nhầm.
Trong khi đó, trộm cắp tài sản là hành vi lén lút lấy tài sản của người khác với mục đích chiếm đoạt.
Theo định nghĩa như trên, có thể nói hành vi của người đàn ông kia không phải là chiếm giữ trái phép tài sản do bị giao nhầm, tìm được hay bắt được. Trên thực tế, tại thời điểm “tìm được chiếc bóp”, cả ông và người shipper tội nghiệp kia vẫn cùng có mặt tại hiện trường. Nói cách khác, bằng việc im lặng đợi shipper rời đi, hành động của người đàn ông đã chuyển thể thành sự lén lút lấy tài sản của người khác với mục đích chiếm đoạt, và do đó, đã cấu thành hành vi trộm cắp tài sản.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, hành vi trộm cắp tài sản có thể được xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc hình sự.
Khoản 1, Điều 173 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) quy định rằng: “Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”. Hình phạt này cũng được áp dụng cho người có hành vi trộm cắp tài sản trị giá dưới 2.000.000 đồng, nếu người đó từng bị xử phạt hành chính hoặc hình sự về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm, hoặc hành vi của người đó gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, hoặc tài sản bị trộm cắp là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
Trong trường hợp hành vi trộm cắp tài sản chưa cấu thành tội phạm theo pháp luật hình sự, hành vi đó vẫn thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật hành chính. Cụ thể, Khoản 1, Điều 15 của Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định rằng hành vi trộm cắp tài sản sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Ngoài ra, tang vật và phương tiện vi phạm có thể bị tịch thu như một hình thức xử phạt bổ sung để hoàn trả cho người bị hại.
Như vậy, có thể thấy việc người đàn ông lặng lẽ nhặt bóp đánh rơi của shipper là hành vi xâm phạm an ninh, trật tự, và tùy theo mức độ nghiệm trọng và giá trị tài sản bị chiếm đoạt, người đàn ông này có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự theo quy định pháp luật tương ứng.