Site icon Blogluat.com

Cổ phiếu bị kiểm soát tiềm ẩn nhiều rủi ro

cổ phiếu bị kiểm soát

Theo điểm a thuộc khoản 1, Điều 4, Luật Chứng khoán 2019, cổ phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn cổ phần của tổ chức phát hành.

Khi cổ phiếu đưa vào diện kiểm soát có nghĩa là mã cổ phiếu được Sở Giao dịch Chứng khoán đưa vào diện kiểm soát, theo dõi về hoạt động của doanh nghiệp.

5 trường hợp cổ phiếu bị kiểm soát

Điều 23 thuộc Quyết định 85/QĐ-SGDHCM (Về việc ban hành quy chế niêm yết chứng khoán tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh) chỉ rõ 5 trường hợp cổ phiếu đưa vào diện kiểm soát, gồm:

– Trường hợp 1: quy định tại tiết a, điểm 1.1, khoản 1, Điều 22 thuộc Quy chế Quyết định 85/QĐ-SGDHCM, cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát khi vốn điều lệ đã góp của tổ chức có cổ phiếu, trái phiếu niêm yết giảm xuống dưới một trăm hai mươi (120) tỷ đồng Việt Nam tính theo giá trị ghi trên báo cáo tài chính kỳ kế tiếp.

– Trường hợp 2: quy định tại tiết b và tiết c, điểm 1.1, khoản 1, Điều 22 thuộc Quy chế Quyết định 85/QĐ-SGDHCM, cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát khi lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính kiểm toán năm kế tiếp của công ty là số âm (có tính đến ảnh hưởng của ý kiến ngoại trừ của đơn vị kiểm toán).

+ Trường hợp tổ chức niêm yết là đơn vị kế toán cấp trên có các đơn vị kế toán trực thuộc thì lợi nhuận sau thuế căn cứ trên báo cáo tài chính tổng hợp.

+ Trường hợp tổ chức niêm yết có công ty con thì lợi nhuận sau thuế căn cứ vào lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất.

– Trường hợp 3: lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp tại báo cáo tài chính bán niên soát xét gần nhất (có tính đến ảnh hưởng của ý kiến ngoại trừ của đơn vị kiểm toán). Đối với tổ chức niêm yết có công ty con hoặc là đơn vị kế toán cấp trên có các đơn vị kế toán trực thuộc thì lỗ lũy kế căn cứ trên báo cáo tài chính hợp nhất/báo cáo tài chính tổng hợp.

– Trường hợp 4: tổ chức niêm yết ngừng hoặc bị ngừng các hoạt động sản xuất kinh doanh chính từ chín (09) tháng trở lên.

– Trường hợp 5: trong trường hợp Sở Giao dịch Chứng khoán xét thấy cần thiết để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư sau khi được Ủy ban Chứng khoán nhà nước chấp thuận.

Hạn chế giao dịch đối với cổ phiếu bị kiểm soát

Khi cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát, Sở Giao dịch Chứng khoán sẽ lên ký hiệu kiểm soát và thực hiện công bố thông tin trên toàn thị trường chứng khoán.

cổ phiếu bị kiểm soát sẽ bị hạn chế về thời gian giao dịch cho đến khi tổ chức niêm yết thực hiện công bố thông tin và/hoặc giải trình đầy đủ theo yêu cầu của Sở Giao dịch chứng khoán.

Căn cứ giải trình từ tổ chức niêm yết, Sở Giao dịch Chứng khoán sẽ xem xét cho cổ phiếu niêm yết được giao dịch toàn thời gian trở lại. Thời gian hạn chế giao dịch đối với cổ phiếu bị kiểm soát tối thiểu là 02 ngày giao dịch.

Vì vậy, cổ phiếu bị kiểm soát có ảnh hưởng đến quá trình mua bán cổ phiếu, giá cổ phiếu bị định giá thấp. Từ đó, hoạt động huy động vốn, hoạt động đầu tư sẽ bị hạn chế giao dịch.

Không những thế, cổ phiếu bị kiểm soát sẽ bị hạn chế về thời gian giao dịch khiến nhà đầu tư không thể mua bán cổ phiếu. Nhà đầu tư cũng gặp không ít trở ngại khi thời gian giao dịch cổ phiếu phụ thuộc vào việc giải trình, công bố thông tin từ cơ sở niêm yết.

Bị động khi mua cổ phiếu bị kiểm soát 

Khi cổ phiếu thuộc diện kiểm soát có nghĩa là cổ phiếu này chắc chắn có vấn đề, dù đang có mức giá thấp.

cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát đồng nghĩa với việc doanh nghiệp xuất hiện nhiều vấn đề, đơn cử có:

– Hoạt động kinh doanh đang có vấn đề: có thể là tạm ngừng kinh doanh hoặc đã ngừng các hoạt động kinh doanh trong thời gian dài.

– Lợi nhuận âm.

– Vốn điều lệ giảm.

– Vi phạm các vấn đề về công bố thông tin doanh nghiệp.

Nhà đầu tư không thể biết khi nào cổ phiếu thuộc diện kiểm soát bị hủy niêm yết hoặc bắt buộc ngừng giao dịch trên thị trường chứng khoán. Tóm lại, nếu mua loại cổ phiếu này thì nhà đầu tư đối diện với nhiều nguy cơ rủi ro.

Khi nào cổ phiếu thoát khỏi diện kiểm soát?

Cổ phiếu được đưa ra khỏi diện kiểm soát trong 3 trường hợp: 

– Công ty khắc phục được hoàn toàn nguyên nhân căn cứ trên báo cáo tài chính quý/bán niên được soát xét hoặc báo cáo tài chính kiểm toán năm.

– Công ty có lãi và không còn lỗ lũy kế, hoặc chuyển sang diện cảnh báo khi công ty có lãi nhưng vẫn còn lỗ lũy kế căn cứ trên báo cáo tài chính quý/bán niên được soát xét hoặc báo cáo tài chính kiểm toán năm kế tiếp.

– Công ty khắc phục được nguyên nhân.

(Blogluat.com)

Exit mobile version