Site icon Blogluat.com

Chứng khoán phái sinh và những điều cần biết năm 2024

chứng khoán phái sinh

Hoạt động chính thức ở Việt Nam từ tháng 08/2017, thị trường chứng khoán phái sinh ngày càng thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư.

Dù vậy, không ít nhà đầu tư cá nhân còn “mù mờ” khi nhắc đến quy định pháp lý về chứng khoán phái sinh.

Với bài viết này, chúng tôi hi vọng bạn đọc có thêm nguồn thông tin chính xác để nắm rõ hơn quy định pháp luật liên quan đến chứng khoán phái sinh cũng như thị trường chứng khoán trong nước.

1. Định nghĩa chứng khoán phái sinh

Chứng khoán phái sinh được định nghĩa tại khoản 9, Điều 4, Luật Chứng khoán 2019.

Theo đó, chứng khoán phái sinh là công cụ tài chính dưới dạng hợp đồng, bao gồm: hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn; trong đó xác nhận quyền, nghĩa vụ của các bên đối với việc thanh toán tiền, chuyển giao số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá đã được xác định trong khoảng thời gian hoặc vào ngày đã xác định trong tương lai.

2. Hợp đồng chứng khoán phái sinh

Khoản 11, 12, 13 thuộc Điều 4, Luật Chứng khoán 2019, chứng khoán phái sinh gồm: hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn; trong đó:

– Hợp đồng quyền chọn: là loại chứng khoán phái sinh, xác nhận quyền của người mua và nghĩa vụ của người bán để thực hiện một trong các giao dịch sau:

+ Mua hoặc bán số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá thực hiện đã được xác định tại thời điểm trước hoặc vào ngày đã xác định trong tương lai;

+ Thanh toán khoản chênh lệch giữa giá trị tài sản cơ sở đã được xác định tại thời điểm giao kết hợp đồng và giá trị tài sản cơ sở tại thời điểm trước hoặc vào ngày đã xác định trong tương lai.

– Hợp đồng tương lai: là loại chứng khoán phái sinh niêm yết, xác nhận cam kết giữa các bên để thực hiện một trong các giao dịch sau:

+ Mua hoặc bán số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá đã được xác định vào ngày đã xác định trong tương lai;

+ Thanh toán khoản chênh lệch giữa giá trị tài sản cơ sở đã được xác định tại thời điểm giao kết hợp đồng và giá trị tài sản cơ sở vào ngày đã xác định trong tương lai.

– Hợp đồng kỳ hạn: là loại chứng khoán phái sinh giao dịch thỏa thuận, xác nhận cam kết giữa các bên về việc mua hoặc bán số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá đã được xác định vào ngày đã xác định trong tương lai.

3. Kinh doanh chứng khoán phái sinh

Pháp luật đề cập đến đối tượng, điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh trong khoản 1 thuộc Điều 4, Nghị định 158/2020/NĐ-CP (Về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh).

Cụ thể, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán (gọi tắt là công ty quản lý quỹ) chỉ được thực hiện kinh doanh chứng khoán phái sinh sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh:

– Công ty chứng khoán được thực hiện một hoặc một số hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh, bao gồm: môi giới chứng khoán phái sinh, tự doanh chứng khoán phái sinh, tư vấn đầu tư chứng khoán phái sinh;

– Công ty quản lý quỹ chỉ được thực hiện hoạt động tư vấn đầu tư chứng khoán phái sinh.

4. Đầu tư chứng khoán phái sinh

Liên quan đến điều kiện đầu tư chứng khoán phái sinh, Điều 16 thuộc Nghị định 158/2020/NĐ-CP (Về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh) quy định rằng tổ chức, cá nhân được đầu tư vào các chứng khoán phái sinh trên thị trường chứng khoán phái sinh.

Tuy nhiên, Điều 16 loại trừ trường hợp bị cơ quan có thẩm quyền cấm thực hiện các hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán có thời hạn hoặc vĩnh viễn do vi phạm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán và các trường hợp đầu tư có điều kiện cụ thể sau đây:

– Công ty chứng khoán chỉ được đầu tư chứng khoán phái sinh sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh cho phép thực hiện hoạt động tự doanh chứng khoán phái sinh;

– Công ty quản lý quỹ chỉ được đầu tư chứng khoán phái sinh nhằm mục đích phòng ngừa rủi ro cho danh mục chứng khoán đang nắm giữ đối với nguồn vốn ủy thác từ hoạt động quản lý danh mục đầu tư.

+ Công ty quản lý quỹ chỉ được đầu tư chứng khoán phái sinh nhằm mục đích phòng ngừa rủi ro theo quy định của pháp luật về quỹ đầu tư chứng khoán đối với nguồn vốn của quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán.

+ Công ty quản lý quỹ không được đầu tư chứng khoán phái sinh từ nguồn vốn của mình, nguồn vốn vay và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác;

– Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được đầu tư chứng khoán phái sinh sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản;

– Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài chỉ được đầu tư chứng khoán phái sinh theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm;

– Tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước chỉ được đầu tư chứng khoán phái sinh sau khi đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Đáng chú ý, quá trình đầu tư chứng khoán phái sinh, kinh doanh chứng khoán phái sinh, tổ chức cũng như cá nhân tự chịu trách nhiệm về rủi ro; phải tuân thủ quy định pháp luật, không được thực hiện các hành vi bị cấm theo quy định pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

(Blogluat.com)

Exit mobile version