Site icon Blogluat.com

Chia TÀI SẢN khi LY HÔN, không ai chịu nhận mảnh đất rộng hơn 20.000 m2

BY NHUNGNGUYENSEEKED

Đây là câu chuyện có thật mà chúng tôi ghi lại từ một bản án phúc thẩm về Tranh chấp LY HÔN, nuôi con chung và chia TÀI SẢN chung, do TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh xét xử.

Bà D.T.P.Q và ông D.Đ.L kết hôn từ năm 2011. Đến năm 2021, bà Q đâm đơn ra tòa xin LY HÔN.

Kháng cáo vì không muốn nhận đất

Ở tòa sơ thẩm, bà Q giải thích trong thời gian chung sống, ông L thường xuyên uống rượu, không chăm sóc gia đình. Năm 2017, bà phát hiện chồng có quan hệ không trong sáng với người phụ nữ khác.

Từ đó, mâu thuẫn vợ chồng ngày càng trầm trọng, ông L thường xuyên đánh vợ.

Xác định hai bên không thể tiếp tục chung sống hòa thuận, bà Q quyết định sống ly thân từ tháng 10-2019 tới khi bà đệ đơn LY HÔN ra tòa.

Quá trình LY HÔN, ngoài trách nhiệm nuôi dưỡng hai con chung thì nguyên đơn (bà Q) và bị đơn (ông L) còn đề nghị tòa án phân chia nhiều TÀI SẢN chung, như: xe hơi, bất động sản, vàng, khoản nợ ngân hàng, cơ sở kinh doanh; trong đó có chia TÀI SẢN chung là phần diện tích đất rộng 20.443,3 m2, chia thành 2 thửa: diện tích 15.247,6 m2 và 5.195,7 m2.

Cơ quan định giá kết luận TÀI SẢN này có tổng giá trị là 613.299.000 đồng (30.000 đồng/1 m2).

Khi phân chia TÀI SẢN chung, tòa sơ thẩm quyết định chia đôi giá trị khu đất. Như vậy, mỗi người được nhận 306.649.500 đồng, tương đương một nửa giá trị TÀI SẢN theo định giá.

Tòa sơ thẩm giao phần TÀI SẢN nói trên cho ông L sử dụng và sở hữu. Ông L có trách nhiệm hoàn tiền lại cho bà Q.

Sau phiên tòa sơ thẩm, ông L kháng cáo với lý do bản án sơ thẩm có nhiều phán quyết chưa thỏa đáng. Đơn cử, ông không đồng ý với cách tòa sơ thẩm chia TÀI SẢN chung là khu đất 20.443,3m2.

Vì sao phải phát mãi TÀI SẢN?

Tại tòa phúc thẩm cũng như suốt quá trình xét xử sơ thẩm, bị đơn không đồng ý nhận khu đất, không đồng ý hoàn trả nguyên đơn số tiền tương đương một nửa giá trị TÀI SẢN theo định giá như tòa sơ thẩm yêu cầu.

Tranh luận ở tòa phúc thẩm về vấn đề này, bị đơn và luật sư cho rằng khu đất ở vị trí nhà của gia đình nguyên đơn. Vì vậy, tòa phúc thẩm giao nguyên đơn (bà Q) quản lý, sử dụng, sở hữu TÀI SẢN mới là phù hợp. Bị đơn xin nhận lại phần giá trị TÀI SẢN bằng tiền mặt theo định giá đất.

Không đồng ý, luật sư bảo vệ nguyên đơn nói rằng việc bị đơn yêu cầu giao lại TÀI SẢN cho nguyên đơn là không khả thi để thực hiện. Luật sư giải thích phía bị đơn có đủ điều kiện quản lý và xử lý các TÀI SẢN về đất đai cũng như liên quan đến các vấn đề nợ. Do đó, đại diện nguyên đơn đề nghị tòa phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, hội đồng xét xử (HĐXX) tạo điều kiện giúp hai bên thương lượng bằng cách ngừng phiên tòa cho bà Q và ông L suy nghĩ xác định việc nhận hiện vật hay là nhận giá trị TÀI SẢN.

Dù vậy, cả nguyên đơn lẫn bị đơn đều không đồng ý nhận hiện vật. Chưa hết, phần đất này còn có một con đường nước để dẫn nước vào tưới tiêu. Đó là lý do cơ quan pháp luật không thể chia TÀI SẢN theo hiện vật làm hai phần.

Như vậy, đối với phần TÀI SẢN là khu đất 20.443,3 m2, tòa án có cơ sở tuyên phát mãi đối với phần diện tích đất nêu trên, giao cơ quan thi hành án thực hiện các trình tự thủ tục phát mãi TÀI SẢN ở giai đoạn thi hành án, nếu phát mãi giá trị là bao nhiêu thì sẽ chia thành hai phần tiền cho hai bên đương sự.

Cuối cùng, HĐXX phúc thẩm quyết định giao cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thực hiện các thủ tục phát mãi TÀI SẢN đúng quy định pháp luật, giá trị TÀI SẢN được tính từ thời điểm phát mãi. Bà Q và ông L mỗi người được nhận một nửa giá trị khu đất sau khi đã trừ chi phí, lệ phí phát mãi theo luật định.

(Ghi từ Bản án số 06/2022/HNGĐ-PT do TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh ban hành)

Exit mobile version