Khi tiến hành ly hôn, nếu hai bên không thể tự thỏa thuận hoặc không thể cùng nhau giải quyết việc phân chia tài sản thì tòa án có thẩm quyền sẽ phân chia tài sản chung nói trên, căn cứ theo quy định tại Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.
Tranh chấp tài sản khi ly hôn là tranh chấp về tài sản chung. Pháp luật hôn nhân và gia đình hiện hành công nhận tài sản đó thuộc sở hữu của cả vợ lẫn chồng, là tài sản hình thành trong quá trình hôn nhân.
Nguyên tắc giải quyết việc chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn được quy định cụ thể tại Điều 59, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014:
– Nguyên tắc 1: Ưu tiên thỏa thuận
Vợ chồng có quyền thỏa thuận về việc phân chia tài sản, tài sản sẽ được chia theo sự thỏa thuận này.
Nếu không thể thỏa thuận thì một trong hai người hoặc cả hai có quyền yêu cầu tòa án giải quyết phân chia tài sản.
– Nguyên tắc 2: Nguyên tắc chia đôi
Trường hợp vợ chồng không thể thỏa thuận việc phân chia tài sản chung thì tòa án sẽ giải quyết bằng cách chia đôi; đồng thời tính tới các yếu tố ở khoản 2, Điều 59, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.
Khoản 2 thuộc Điều 59 nêu rõ tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố:
+ Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng: là tình trạng về năng lực pháp luật, năng lực hành vi, cũng như sức khỏe, tài sản, khả năng lao động của vợ chồng, những người trong gia đình mà người đó có nghĩa vụ về nhân thân và tài sản theo luật định.
Trường hợp cả hai cùng khó khăn, pháp luật xem xét bên khó khăn hơn để phân chia tài sản nhiều hơn; hoặc ưu tiên nhận tài sản nhằm đảm bảo ổn định cuộc sống, nhưng phải phù hợp với cả hai.
+ Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập.
Nguyên tắc này đảm bảo ai có công đóng góp nhiều sẽ được chia nhiều, ít sẽ được chia ít. Nghĩa là, mỗi bên sẽ nhận số tài sản tương đương với công sức đóng góp.
Đáng lưu ý, ở tình huống người vợ hoặc chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình (làm nội trợ) mà không đi làm, cơ quan pháp luật có đủ cơ sở tính việc ở nhà chăm sóc con, gia đình (làm nội trợ) là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập người còn lại có đi làm.
+ Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập.
+ Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng. Ví dụ: nếu người chồng nhậu nhẹt, ngoại tình thì khi phân chia tài sản chung, tòa án xem xét yếu tố lỗi của người chồng để đảm bảo quyền lợi, lợi ích cho người vợ và con chung.
Trên đây là một số quy định liên quan đến nguyên tắc chia tài sản chung khi ly hôn do chúng tôi tổng hợp dựa trên thông tin bạn đọc cung cấp.
Ngoài ra, bạn đọc có thể tham khảo nhiều bài viết khác liên quan đến vấn đề phân chia tài sản, quyền nuôi con khi ly hôn, thủ tục ly hôn… trên website của chúng tôi.
(Blogluat.com)