Site icon Blogluat.com

Cháy chung cư, chủ đầu tư đối diện hình phạt như thế nào?

cháy chung cư

Liên quan đến vụ cháy chung cư mini xảy ra tại số nhà 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, ngày 13/9/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt bị can để tạm giam (04 tháng) đối với chủ chung cư nơi xảy ra vụ cháy.

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, các quyết định và lệnh bắt bị can đã được VKSND cùng cấp phê chuẩn.

Chủ đầu tư chung cư mini nói trên bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy theo Điều 313, Bộ Luật Hình sự hiện hành.

Vụ cháy chung cư mini khiến 56 người thiệt mạng, 37 người trọng thương.

Cơ quan công an xác định nguyên nhân gây ra vụ cháy chung cư mini này là chập mạch điện trên đường dây dẫn điện tại khu vực bình ắc quy thuộc phần đầu xe mô tô sử dụng động cơ xăng (loại xe tay ga) đặt giáp tường phía Nam tầng 1 gây cháy. Sau đó, lửa lan vào khu vực cáp điện, các hộp công tơ điện gắn trên tường và cháy lan ra xung quanh.

Với thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng mà vụ cháy chung cư mini mang lại như đã nêu ở trên thì chủ chung cư mini phải chịu trách nhiệm như thế nào trước pháp luật?

Điều 313, Bộ Luật Hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017 quy định về tội Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy, cho phép cơ quan pháp luật áp dụng mức hình phạt cao nhất là 12 năm tù, với các khung hình phạt cụ thể như sau:

– Khung 1: người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

+ Làm chết người;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

– Khung 2: phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 08 năm:

+ Làm chết 02 người;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

– Khung 3: phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:

+ Làm chết 03 người trở lên;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

+ Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

– Hình phạt bổ sung: người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Ngoài ra, vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến một trong các hậu quả sau, nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

+ Làm chết 03 người trở lên;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

+ Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

Bạn đọc có thể tìm hiểu nhiều thông tin khác về quy định pháp luật liên quan đến phòng cháy, chữa cháy trên website của chúng tôi.

(Blogluat.com)

Exit mobile version