Site icon Blogluat.com

Cấp dưỡng và những vấn đề cần quan tâm năm 2024

cấp dưỡng

Với bài viết này, bạn đọc có thể tham khảo nhiều thông tin pháp lý liên quan đến vấn đề cấp dưỡng, như: khái niệm cấp dưỡng, nghĩa vụ cấp dưỡng, mức cấp dưỡng…

1. Cấp dưỡng là gì?

Khoản 24 thuộc Điều 3, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, giải thích cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định.

2. Nghĩa vụ cấp dưỡng

Căn cứ Điều 107, từ Điều 110 – Điều 115 thuộc Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa các chủ thể:

– Cha, mẹ đối với con:

Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.

– Con đối với cha mẹ:

Con đã thành niên không sống chung với cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha, mẹ trong trường hợp cha, mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

– Anh, chị, em với nhau:

Trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để cấp dưỡng cho con thì anh, chị đã thành niên không sống chung với em có nghĩa vụ cấp dưỡng cho em chưa thành niên không có tài sản để tự nuôi mình hoặc em đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình; em đã thành niên không sống chung với anh, chị có nghĩa vụ cấp dưỡng cho anh, chị không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

– Ông bà nội, ông bà ngoại và cháu:

+ Ông bà nội, ông bà ngoại không sống chung với cháu có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu trong trường hợp cháu chưa thành niên hoặc cháu đã thành niên không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và không có người cấp dưỡng theo quy định tại Điều 112, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

+ Cháu đã thành niên không sống chung với ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ cấp dưỡng cho ông bà nội, ông bà ngoại trong trường hợp ông bà không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và không có người khác cấp dưỡng theo quy định Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

– Cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột:

+ Cô, dì, chú, cậu, bác ruột không sống chung với cháu ruột có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu trong trường hợp cháu chưa thành niên hoặc cháu đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người khác cấp dưỡng theo quy định của luật này.

+ Cháu đã thành niên không sống chung với cô, dì, chú, cậu, bác ruột có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cô, dì, chú, cậu, bác ruột trong trường hợp người cần được cấp dưỡng không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người khác cấp dưỡng theo quy định của luật này.

– Vợ và chồng sau ly hôn:

Khi ly hôn nếu bên khó khăn, túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng thì bên kia có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khả năng của mình.

3. Quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng

Pháp luật chỉ định những cá nhân, tổ chức có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng tại Điều 119, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, như sau:

– Người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.

– Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó:

+ Người thân thích;

+ Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

+ Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

+ Hội liên hiệp phụ nữ.

– Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức quy định yêu cầu tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.

4. Phương thức cấp dưỡng

Các bên liên quan tuân thủ và thực hiện phương thức cấp dưỡng căn cứ Điều 117 thuộc Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

Cụ thể, việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần.

Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa án giải quyết.

5. Mức cấp dưỡng

Điều 116 thuộc Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, nhắc đến mức cấp dưỡng như sau:

– Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa án giải quyết.

– Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa án giải quyết.

Hiện nay chưa có văn bản nào đề cập cụ thể mức cấp dưỡng cho con sau khi bố mẹ ly hôn. Thực tế, tòa án thường dựa trên chứng từ, hóa đơn… liên quan đến chi phí hợp lý để nuôi dưỡng, chăm sóc con và thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng khi xác định mức cấp dưỡng.

6. Xử lý vi phạm

Pháp luật ghi nhận bốn biện pháp, chế tài xử lý người có hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.

Một là, cá nhân hay tổ chức liên quan có quyền yêu cầu tòa án buộc người không tự nguyện thi hành án cấp dưỡng cho con phải thực hiện nghĩa vụ, căn cứ Điều 119, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

Hai là, cơ quan có thẩm quyền có thể trừ vào thu nhập của người có nghĩa vụ cấp dưỡng, căn cứ Điều 78, Luật Thi hành án dân sự 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014.

Ba là, cơ quan pháp luật tiến hành xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 54, Nghị định số 167/201/NĐ-CP. Theo đó, người có nghĩa vụ cấp dưỡng mà trốn tránh hoặc từ chối nghĩa vụ cấp dưỡng thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

Bốn là, pháp luật có chế tài xử lý hình sự tại Điều 186, Bộ Luật Hình sự 2015 về tội Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng.

7. Chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng

Các trường hợp chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng được quy định tại Điều 118, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, gồm:

– Người được cấp dưỡng đã thành niên và có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi mình;

– Người được cấp dưỡng được nhận làm con nuôi;

– Người cấp dưỡng đã trực tiếp nuôi dưỡng người được cấp dưỡng;

– Người cấp dưỡng hoặc người được cấp dưỡng chết;

– Bên được cấp dưỡng sau khi ly hôn đã kết hôn;

– Trường hợp khác theo quy định của luật.

(Blogluat.com)

 

Exit mobile version