Site icon Blogluat.com

Các loại giấy tờ có giá năm 2024: có bao nhiêu loại giấy tờ? 

loại giấy tờ

Bài viết giúp bạn đọc hiểu rõ về các loại giấy tờ có giá, phân biệt các loại giấy tờ có giá với những loại giấy tờ khác nhằm tránh nhầm lẫn khi giao dịch dân sự.

1. Định nghĩa giấy tờ có giá

Giấy tờ có giá là một loại tài sản theo pháp luật dân sự. Cụ thể, khoản 1 thuộc Điều 105, Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định: tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

Tiếp đó, khoản 1 thuộc Điều 2, Thông tư 01/2012/TT-NHNN (Quy định về việc chiết khấu giấy tờ có giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài), giải thích giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời gian nhất định, điều kiện trả lãi và những điều kiện khác.

2. Các loại giấy tờ có giá

Theo khoản 2 và khoản 3 thuộc Thông tư 01/2012/TT-NHNN, giấy tờ có giá gồm những loại sau:

– Giấy tờ có giá dài hạn là giấy tờ có giá có thời hạn từ một năm trở lên kể từ khi phát hành đến khi đến hạn thanh toán.

– Giấy tờ có giá ngắn hạn là giấy tờ có giá có thời hạn dưới một năm kể từ khi phát hành đến khi đến hạn thanh toán.

Tại Công văn 141/TANDTC-KHXX (Về thẩm quyền giải quyết các yêu cầu trả lại giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản, do TAND Tối cao ban hành), các loại giấy tờ có giá được liệt kê cụ thể, gồm:

– Hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ, séc, công cụ chuyển nhượng khác;

– Trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu;

– Tín phiếu, hối phiếu, trái phiếu, công trái và công cụ khác làm phát sinh nghĩa vụ trả nợ;

– Các loại chứng khoán :

+ Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ;

+ Quyền mua cổ phần, chứng quyền, quyền chọn mua, quyền chọn bán, hợp đồng tương lai, nhóm chứng khoán hoặc chỉ số chứng khoán;

+ Hợp đồng góp vốn đầu tư; các loại chứng khoán khác ;

– Trái phiếu doanh nghiệp.

3. Trường hợp dễ nhầm lẫn là giấy tờ có giá

Từ những quy định pháp luật về các loại giấy tờ có giá, chúng ta có thể hiểu rằng những loại giấy tờ không thuộc các giấy tờ được liệt kê ở trên thì không phải là giấy tờ có giá.

Thực tế ghi nhận tình huống không ít người nhầm lẫn một số loại giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ tiết kiệm) là giấy tờ có giá. Thực ra, những loại tờ đó không phải là giấy tờ có giá vì bản chất chúng không phải là tài sản.

Công văn 141/TANDTC-KHXX cũng thốngkê nhiều loại giấy tờ không được công nhận là giấy tờ có giá, gồm:

– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

– Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở;

– Giấy đăng ký xe mô tô, xe máy;

– Giấy đăng ký xe ô tô…

Tổ chức có thẩm quyền phát hành giấy tờ có giá ở Việt Nam, gồm: ngân hàng thương mại; chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính phát hành giấy tờ có giá để huy động vốn từ tổ chức; ngân hàng hợp tác xã Việt Nam (phát hành giấy tờ có giá theo quy định tại giấy phép thành lập và hoạt động).

Bạn đọc có thể tham khảo nhiều bài viết khác về giấy tờ có giá, các loại giấy tờ khác cùng thông tin pháp lý có liên quan trên website của chúng tôi.

(Blogluat.com)

Exit mobile version