Cá nhân huy động từ thiện
CategoriesSự Kiện Xã Hội

Cá nhân kêu gọi từ thiện trăm tỷ: Kiểm soát thế nào?

Có vẻ như những câu chuyện xung quanh việc kêu gọi từ thiện trên danh nghĩa cá nhân của nghệ sĩ, hay những người có tiếng nói trong cộng đồng, sẽ không thực sự có hồi kết. Những hoàn cảnh đáng thương, cần giúp đỡ trong xã hội sẽ luôn nảy sinh. Và mong muốn san sẻ khó khăn của một bộ phận người dân, những người không đủ thời gian hoặc điều kiện để trực tiếp tiếp xúc với đối tượng cần giúp đỡ, sẽ luôn tồn tại.

Qua thời gian, mọi cuộc kêu gọi từ thiện từ người nổi tiếng dường như có diễn biến giống nhau:

Sự kiện ➨ Kêu gọi  ➨ Đóng góp ➨ Chuyển giao ➨ Nghi vấn ➨ Kết thúc.

Tùy theo mức độ nổi tiếng của người kêu gọi và quy mô của chương trình từ thiện, quá trình này (và từng giai đoạn trong đó) có thể được quan tâm và thu hút ý kiến trái chiều nhiều hơn. Tuy vậy, đa số các sự vụ (hay thậm chí là bê bối) từ thiện của các nghệ sĩ thời gian qua đều cùng đi đến một tranh cãi tương tự nhau (dù có sự tự nguyện trong đó hay không): Sao kê tài khoản ngân hàng.

VÌ SAO?

Bạn đã từng nghe đến một trong những châm ngôn được Cố Tổng thống Mỹ Ronald Reagan yêu thích: “Trust, but verify“?.

Lòng tin là thứ có thể được dễ dàng quyết định và trao đi bởi nhiều nhân tố khác nhau. Đó có thể là sự theo dõi và đánh giá, nhưng cũng có thể chỉ là tập hợp các nhận định mang tính chủ quan và cảm xúc. Tuy nhiên, cho dù lòng tin đã được trao đi như thế nào, và nó “thuần khiết” như thế nào, thì đâu đó trong quá trình ấy vẫn tồn tại nhu cầu xác thực. Con người là loài động vật có bản tính đa nghi. Ấy vậy mà xung quanh chúng ta, được tích hợp trong các hệ thống vận hành xã hội, là đầy rẫy những công cụ và biện pháp nhằm xác thực lòng tin. Đó có thể đơn thuần là yêu cầu công khai, minh bạch thông tin, hay phức tạp hơn là các hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán.

Quay trở về với câu chuyện từ thiện, nơi lòng tin được trao đi với mục đích thiện chí và không đòi hỏi lợi ích nhận lại. Xuất phát từ điều đó, nhu cầu xác thực rằng liệu lòng tin có được trao đúng chỗ sẽ mãi âm ỉ và bức thiết. Và một khi hệ thống chưa sản sinh ra biện pháp xác thực thích hợp, người dân phải tự tìm kiếm một giải pháp mà họ cho là khả dĩ, những tờ giấy sao kê tài khoản ngân hàng.

PHÁP LUẬT CÓ GÌ?

Thẳng thắn mà nói, pháp luật Việt Nam liên quan đến hoạt động kêu gọi từ thiện của cá nhân là chưa có gì cả.

Đã có một số ý kiến viện dẫn đến Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/05/2008 của Chính phủ và Thông tư số 72/2008/TT-BTC ngày 31/07/2008 của Bộ Tài chính như một nỗ lực tìm kiếm điều-mà-đáng-lẽ-pháp-luật-đã-phải-biết-và-điều-chỉnh. Tuy nhiên, nỗ lực này có vẻ khiên cưỡng, như cách mà xã hội trông ngóng giải pháp xác thực lòng tin.

Phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 64/2008/NĐ-CP và văn bản hướng dẫn nó, Thông tư số 72/2008/TT-BTC, khá mù mờ, không thể hiện rõ rằng cá nhân có phải là chủ thể được phép (hay ngược lại, bị cấm) vận động, tiếp nhận, phân bổ và sử dụng tiền, hàng đóng góp hay không, mà theo đó là liệu các quy định liên quan đến quyền lợi và trách nhiệm có được áp dụng cho chủ thể này hay không. Chưa kể những quy định trong hai văn bản này hàm ý về những biện pháp quản lý hành chính, như thể được đo ni đóng giày cho những đối tượng mang quyền lực nhà nước, thay vì áp dụng rộng rãi cho tất cả các hoạt động vận động từ thiện. Sự mù mờ, kéo theo đòi hỏi suy đoán và diễn giải, là không nên có khi điều chỉnh hoạt động thiện nguyện, một mối quan hệ hết sức nhạy cảm giữa các bên trong xã hội.

Việc thiếu vắng quy định pháp luật như vậy trên thực tế là khó tránh khỏi, khi xét đến bối cảnh một cá nhân có khả năng huy động một số tiền từ thiện lớn, lên đến hàng chục tỷ hay thậm chí hàng trăm tỷ đồng, không phải là điều khả thi cho đến vài năm gần đây với sự hỗ trợ đắc lực của mạng xã hội. Vào năm 2008, thời điểm hai văn bản nêu trên được ban hành, khi Facebook chỉ vừa manh nha xuất hiện tại Việt Nam, chắc hẳn hiếm ai có thể nghĩ đến một bức tranh như vậy. Do đó, thay vì cố gắng diễn giải những quy phạm pháp luật lạc hậu để thỏa mãn nhu cầu thông tin nhất thời, chúng ta cần đối mặt với khiếm khuyết đó để theo đuổi những quy phạm pháp luật mới hoàn chỉnh và phù hợp hơn.

Trên thực tế, Bộ Tài chính đã có những động thái đầu tiên trong việc soạn thảo văn bản thay thế Nghị định số 64/2008/NĐ-CP từ cuối năm 2020.

Theo dự thảo nghị định mới của Bộ Tài chính, có thể thấy đối tượng áp dụng nay đã bao gồm “cá nhân tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện“. Dự thảo cũng đề xuất các biện pháp nhằm kiểm soát hoạt động kêu gọi từ thiện của cá nhân, như việc cá nhân kêu gọi phải thông báo đến chính quyền địa phương và kế hoạch vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp, và phải đảm bảo tính công khai, minh bạch, báo cáo, công khai về hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện khi được yêu cầu.

Cá nhân kêu gọi từ thiện trăm tỷ: Kiểm soát thế nào?

BIỆN PHÁP KIỂM SOÁT

Mặc dù hoạt động kêu gọi từ thiện với danh nghĩa cá nhân đã nhận được sự quan tâm và hành động từ cơ quan lập pháp, nhưng dự thảo nghị định mới của Bộ Tài chính cũng phần nào thể hiện sự rụt rè trong việc kiểm soát những hoạt động này. Mặt khác, sự kiểm soát dường như cũng chỉ dừng lại ở mức nguyên tắc, và không kèm theo bất kỳ công cụ hoặc biện pháp nào nhằm đảm bảo cho tính hiệu quả và thực thi của nguyên tắc được đề ra.

Có thể kể đến một số vấn đề liên quan đến các quy định (mặc dù là đề xuất tạm thời) thuộc dự thảo nghị định như sau:

  1. Quy định yêu cầu cá nhân kêu gọi phải thông báo đến chính quyền địa phương và kế hoạch vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp, nhưng không có quy định về việc chính quyền địa phương sẽ có thẩm quyền, bổn phận và trách nhiệm gì đối với những thông báo nhận được.
  2. Quy định yêu cầu đảm bảo tính công khai, minh bạch. Tuy nhiên, sự công khai, minh bạch này được chuyển thể thành hành động như thế nào lại không được quy định cụ thể như đối với trường hợp tổ chức kêu gọi từ thiện.
  3. Quy định cá nhân kêu gọi phải báo cáo, công khai về hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện khi được yêu cầu. Tuy nhiên, phạm vi, nội dung và tính xác thực của báo cáo lại không được quy định cụ thể như đối với trường hợp tổ chức kêu gọi từ thiện.

Liệu có hay không một viễn cảnh, ngay cả khi một văn bản mới được ban hành để điều chỉnh cho hoạt động kêu gọi từ thiện với danh nghĩa cá nhân, những tranh cãi xung quanh việc cung cấp sao kê tài khoản ngân hàng của người kêu gọi từ thiện sẽ vẫn tiếp diễn? Có thể là vậy, dù chí ít giờ đây người ta sẽ có cơ sở vững chắc hơn để tuyên bố yêu cầu của mình.

Cũng không thiếu những ý kiến về việc vận dụng các quy định pháp luật dân sự (hay thậm chí là hình sự) để nhờ cậy các cơ quan tư pháp giải quyết nghi vấn xung quanh việc sử dụng số tiền từ thiện khổng lồ mà các nghệ sĩ, người nổi tiếng đã quyên góp. Nhưng gượm đã, ông bà ta có câu: “Vô phúc đáo tụng đình“. Người Việt Nam ta chắc hẳn sẽ không tìm đến cửa quan khi đa phần số tiền mà riêng lẻ từng người đóng góp là không đáng kể. Nhất là khi đối phương dẫu sao cũng là người có vị thế xã hội, là người mà họ đã trao lòng tin.

Như vậy, có thể thấy ở thời điểm hiện tại, và cho đến một tương lai gần theo dự thảo nghị định mà Bộ Tài chính đang soạn thảo, vẫn chưa có một biện pháp nào để kiểm soát, một cách thực sự và hiệu quả, hoạt động kêu gọi từ thiện của nghệ sĩ và người nổi tiếng.

Tuy nhiên, tôi cho rằng một khi hành lang pháp lý đã được bồi đắp, cơ quan chức năng có thể tận dụng nguồn lực và tối ưu hoạt động của các ban ngành sẵn có để xử lý những hành vi vi phạm nghiêm trọng (ở mức độ vi mô), qua đó cải thiện tổng thể môi trường từ thiện (ở mức độ vĩ mô). Có thể kể đến như sự tham gia của cơ quan quản lý thuế, như một phần của hoạt động quản lý và kiểm tra thuế thu nhập cá nhân, sẽ hỗ trợ để xác định sơ bộ thông tin xung quanh những khoản tiền từ thiện đã tiếp nhận. Những thông tin đó, nếu có dấu hiệu nghi vấn, có thể được chuyển tiếp đến cơ quan hữu quan để làm rõ, ví dụ như Ủy ban Mặt trận Tổ quốc để xử lý hành chính, hoặc đại diện người dân để khởi kiện dân sự, hay thậm chí xa hơn là cơ quan điều tra để xem xét yếu tố hình sự.

Xem thêm dự thảo Nghị định của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo tại đây.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tính năng chống sao chép đang bật. Vui lòng liên hệ người viết nếu có nhu cầu trích dẫn nội dung bài viết. Cảm ơn bạn.